MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xe đạp thồ của ông Bùi Tín, dân công tỉnh Thanh Hóa dùng vận chuyển lương thực phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 (hiện vật Bảo tàng Lịch sử Quốc gia).

"Quà dân công" của bố tôi

Nhà văn, dịch giả LÊ BÁ THỰ LDO | 02/09/2019 11:52

Dân công là lực lượng tải lương thực, thực phẩm ra tiền tuyến nuôi bộ đội đánh giặc. Hoặc thồ bằng xe đạp, hoặc gánh bằng đôi bồ nhỏ đan bằng tre, nứa, gọi là "bồ dân công". 

Có thể nói "xe thồ" và "bồ dân công" là biểu tượng của hậu phương lớn Thanh Hoá thời kháng chiến chống Pháp. Thanh Hoá nổi tiếng về lực lượng dân công tải gạo và thực phẩm ra chiến trường. Nhất là trong chiến dịch Điện Biên Phủ, dân công hoả tuyến chủ yếu là người Thanh Hoá, trong đó có bố tôi và nhiều người làng tôi. Những đoàn xe đạp thồ, dân công gánh bộ từ miền tây Thanh Hóa qua suối Rút, Mộc Châu sang Cò Nòi đến Sơn La, vượt hơn 500km đường xuyên rừng, lội suối, trèo đèo an toàn và bí mật đưa hàng tới nơi an toàn. Những đoàn thuyền vượt hàng trăm thác ghềnh hiểm trở, tránh máy bay địch đánh phá, ngược dòng sông Mã, vận chuyển hàng lên Việt Bắc. Địch bắn phá ban ngày thì dân công đi ban đêm, đèn chai soi đường cho từng tốp dân công bốn người một nặng gánh trên vai.  

Tôi vẫn còn nhớ một đoạn hoạt cảnh "Dân công tải gạo ra tiền tuyến" do thanh niên làng tôi biểu diễn tại sân đình:

Lũ trẻ con chúng tôi ngồi say sưa thưởng thức màn hoạt cảnh này: Một bà cụ vận trang phục dân tộc Mường đứng bên chiếc bàn tre, trên có đặt ấm nước chè và mấy chiếc bát. Miệng cụ hát những lời cảm động, tay cụ rót nước mời toán dân công chín người vai gánh hai bồ gạo có cài lá ngụy trang:

"Giữa chốn núi rừng âm u/ Mẹ già căm giận quân thù/ Đem nước đón đoàn dân công/ Gánh gồng đánh trận Thu - Đông... /Bồ gạo này nước không vô là nhờ sức anh Đô...".

Bà cụ miệng nhai trầu nom rất hiền lành và phúc hậu, còn mấy cô mấy chú dân công rưng rưng nâng bát nước chè lên miệng uống ngon lành. Màn hoạt cảnh cảm động này tôi vẫn còn nhớ đến tận bây giờ, cho dù đã trên 60 năm trôi qua. 

Xin các bạn đọc những dòng thông tin dưới đây mà tôi thu thập được để thấy Thanh Hoá đã dồn sức người và sức của cho chiến dịch Điện Biên Phủ lớn như thế nào: 

"Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, chỉ tính đội quân xe đạp thồ đã đông hơn cả số quân chủ lực, là chuyện chưa từng có trong chiến tranh thế giới. Những "chị gánh anh thồ" chủ yếu người xứ Thanh cứ đêm đi ngày nghỉ, người sau bám gót người trước một cách mải miết đến ngay cả tin chiến thắng họ cũng không hay biết...".

Vận tải bằng xe thồ trong chiến dịch Điện Biên Phủ (ảnh tư liệu).

"Để phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, Thanh Hóa đã huy động 30% người trong độ tuổi lao động tham gia dân công tuyến lửa (dài hạn và ngắn hạn) với tổng số dân công lên đến 178.924 người, huy động 3.530 xe đạp thồ với 16.000 lượt chiếc, 1.126 thuyền, 31 ôtô, 180 xe bò, 42 ngựa, 3 thớt voi. Thanh Hóa đã cung cấp hậu cần cho quân đội, chiếm tới 56% (9.000 tấn gạo/16.000 tấn), số lương thực, thực phẩm chiếm 40% (450 tấn cá khô, 2.000 con lợn, 1.300 con bò, 250.000 quả trứng, 150 tấn đậu, 20.000 chai, lọ nước mắm cùng hàng trăm tấn rau các loại), đảm bảo lương thực phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhiều con em dân công Thanh Hóa trở thành kiện tướng vận chuyển như Ma Văn Kháng, Cao Văn Tỵ...".

Sau mỗi đợt đi dân công, bao giờ bố tôi cũng có quà mang về cho cả nhà, thường là chiến lợi phẩm, gọi là "quà dân công". Thứ quà chúng tôi rất thích là vải dù và dây dù thu được của Pháp. Hồi đó thiếu vải mặc, vải dù được đem làm khăn quàng cổ cho con trai, làm khăn trùm đầu (làng tôi gọi là "khăn lầm") cho con gái thì phải nói là "cực diện".

Còn dây dù làm dải rút thì "bền vĩnh cửu". Nhất là hồi đó chúng tôi chuyên mặc quần nâu, còn gọi là "quần nông dân", cho nên phải lồng dải rút đề buộc chặt quần vào bụng. Nếu ai đó có chiếc võng dù thì gọi là "võng hạng sang", loại võng nhẹ như lông hồng, cực dai, cực bền, mang đi đâu cũng tiện, mắc vào đâu cũng được, ngủ ngon bất kỳ chỗ nào. Rất tiếc, mặc dầu rất thèm, nhưng tôi không có được cái "sự sung sướng" của người sở hữu "võng hạng sang".

Tôi còn dùng ruột dây dù, tức những sợi dù nhỏ, làm dây câu cặm, cực dai, cực bền, không bị thấm nước. Sau chuyến đi dân công phục vụ chiến dịch Hoà Bình (1951 - 1952), chiến dịch quân đội ta tiến công và giải phóng khu vực thị xã Hoà Bình - sông Đà - Đường 6, bố tôi nhặt được và mang về làm kỷ niệm một cái cát tút đạn đại bác bằng đồng, to tướng và nặng trịch.

Tôi thích lắm, vì lạ mắt, lần đầu tiên được chiêm ngưỡng chiếc cát tút to đến như vậy. Mẹ tôi bảo cái cát tút này phải đúc được một cái nồi đồng, "nồi năm", để nấu cám lợn. Ông Khếnh hàng xóm, cũng đi dân công như bố tôi, khi thu dọn chiến trường nhặt được một đôi giày cao cổ của Tây.

Ông khoe: "Hôm thu dọn chiến trường tau nhặt được đôi giày này đó, tau giấu đi mang về làm kỷ niệm. Lúc đó, bên trong một chiếc giày vẫn còn nguyên khúc chân của thằng Tây. Chiếc giày này đây" - ông chỉ tay vào một trong hai chiếc giày chiến lợi phẩm với vẻ mặt đầy kiêu hãnh. Tôi trố mắt nhìn, tôi thấy sợ, khi mường tượng trong đầu, khúc chân to đùng của thằng Tây vẫn còn nằm nguyên vẹn trong đó. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn