MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dự án Metro Nhổn - ga Hà Nội đã "lỡ hẹn" hơn chục lần, chưa thể khai thác thương mại đoạn trên cao. Ảnh: Phạm Đông

Qua hạn chót, metro Nhổn - ga Hà Nội vẫn chưa thể vận hành

PHẠM ĐÔNG - CÔNG HÒA LDO | 29/07/2024 11:39

Dù hạn chót phải khai thác thương mại trước ngày 28.7 nhưng đến nay, dự án metro Nhổn - ga Hà Nội vẫn chưa thể chở khách.

Liên quan đến tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội, mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu UBND TP Hà Nội chịu trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thành các công việc, nội dung, thủ tục như phối hợp với các cơ quan của Bộ GTVT hoàn thành công tác thẩm định, cấp Giấy chứng nhận an toàn hệ thống theo quy định; thủ tục cấp phép môi trường trong ngày 20.7.2024.

Phó Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu hoàn thiện các thủ tục kiểm tra công tác nghiệm thu công trình trước ngày 26.7.2024, bảo đảm đưa tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội đoạn trên cao vào khai thác thương mại trước ngày 28.7, nhất định không lùi tiến độ hoàn thành.

Nhiều tháng qua, tàu vẫn vận hành thử nghiệm theo các kịch bản. Ảnh: Phạm Đông

Tuy nhiên, theo ghi nhận của Lao Động ngày 28.7, các nhà ga đoạn trên cao của tuyến đường sắt này vẫn đóng kín, quây tôn chưa có dấu hiệu vận hành như thời hạn đặt ra.

Tại một số nhà ga mặc dù có dán biển không đỗ xe ở khu vực cầu thang bộ nhưng vẫn có nhiều xe máy đỗ sai quy định.

Dự án chưa thể khai thác thương mại đúng như dự kiến. Ảnh: Công Hòa

Nhà cách trường hơn 8km nên mỗi buổi sáng, Nguyễn Khánh Linh (21 tuổi), sinh viên năm 3 Đại học Giao thông Vận tải phải di chuyển hơn nửa tiếng đồng hồ để di đến trường.

“Quãng đường từ Cầu Diễn tới hết đường Cầu Giấy thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc khiến việc đi lại cực kỳ khó khăn, đặc biệt vào giờ cao điểm. Nếu sử dụng đường sắt đô thị, chỉ cần hơn 10 phút để đi từ ga Nhổn tới ga Cầu Giấy ngay phía trước cổng trường”, Khánh Linh chia sẻ.

Chân nhà ga thành nơi dừng đỗ xe. Ảnh: Phạm Đông

Bà Nguyễn Minh Huyền (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, chiều nào đi bộ qua ga Lê Đức Thọ cũng thấy đóng kín, không có dấu hiệu hoạt động dù đã được hoàn thành cũng như chạy thử từ lâu.

“Người già như chúng tôi khi sử dụng đường sắt cũng cảm thấy an toàn hơn trên đường mỗi khi giao thông đông đúc. Mong tuyến đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội này sớm được sử dụng để giảm bớt ùn tắc giao thông và ô nhiễm không khí”, bà Huyền cho hay.

Nhà ga Lê Đức Thọ vẫn được rào kín. Ảnh: Công Hòa

Thông tin trên báo chí, ông Nguyễn Bá Sơn - Phó Giám đốc Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB), chủ đầu tư - cho biết, để hoàn thành các thủ tục trong tháng 7.2024, sau khi có chứng nhận an toàn của Tư vấn độc lập, chủ đầu tư sẽ triển khai các việc tiếp theo để đưa đoạn trên cao vào hoạt động thương mại.

Trong đó, toàn bộ hồ sơ đánh giá an toàn hệ thống của dự án, bao gồm cả chứng nhận an toàn của Tư vấn ABC phải trình lên Cục Đường sắt Việt Nam xem xét, thông qua. Bước tiếp theo là mời Hội đồng kiểm tra nhà nước họp đánh giá, thông qua hồ sơ kỹ thuật, nghiệm thu và kịch bản vận hành; Phối hợp với Bộ TNMT hoàn thành chứng nhận liên quan đến môi trường.

Khi xong các bước cuối này, đoạn trên cao của dự án Metro Nhổn - Ga Hà Nội đủ điều kiện để vận hành thương mại và Ban MRB đang đặt mục tiêu hoàn thành trong tháng 7.

Thời gian qua, chủ đầu tư đã vận hành thử nghiệm các đoàn tàu theo 57 kịch bản được xây dựng một cách an toàn. Cùng với đó, chủ đầu tư đã hướng dẫn, đào tạo về nghiệp vụ cho 353 nhân sự của công ty vận hành là Hanoi Metro sẵn sàng tiếp nhận, vận hành các đoàn tàu ở đoạn trên cao khi được đưa vào hoạt động thương mại.

Với đoạn đi ngầm, theo kế hoạch, ngày mai (30.7), máy đào hầm đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội chính thức đi vào hoạt động. Đoạn đi ngầm này dài 4km, kéo dài từ nhà ga ngầm S9 tại Kim Mã đến ga Hà Nội và dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2027.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn