MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

"Quà tặng 8.3 là điều rất xa vời, chỉ mong có nhiều sức khoẻ để mưu sinh"

KIM ANH - VƯƠNG TRẦN LDO | 08/03/2021 07:53
Đôi vai gồng gánh những lo toan vất vả cuộc sống, những nữ cửu vạn tại chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội) hằng đêm tần tảo để kiếm thêm thu nhập. Ngày 8.3 cũng như bao ngày khác, niềm vui với họ là có thật nhiều sức khỏe, việc làm để mưu sinh.

Nhọc nhằn mưu sinh không có ngày nghỉ

0h ngày 8.3, khi thành phố đã chìm sâu vào trong giấc ngủ thì cũng là lúc những người phụ nữ làm nghề cửu vạn ở chợ Long Biên (Hà Nội) lại bắt đầu ngày mới với quang gánh, xe kéo,…

Khác với những khu chợ khác, nơi đây đa phần những người làm nghề bốc vác lại là phụ nữ. Họ chấp nhận rời quê lên thành phố, làm công việc nặng nhọc để có tiền cho cuộc sống gia đình.

Công việc của những nữ cửu vạn thường bắt đầu từ 11h đêm đến 6h sáng hôm sau.

Với những đàn ông, công việc này tưởng chừng đã vô cùng nặng nhọc, với những người phụ nữ việc này còn vất vả hơn gấp bội. Những chuyến hàng gồm hàng chục thùng hoa quả trĩu nặng trên đôi vai gầy của những người phụ nữ. Kéo hàng lâu năm, những vết dây thừng hằn thẳng trên lưng, đau nhức xương khớp với họ là "chuyện như cơm bữa".

This browser does not support the video element.

Những người phụ nữ nhọc nhằn mưu sinh lúc rạng sáng ngày 8.3.

Nghỉ ngơi sau chuyến xe thứ 3 kéo trong buổi tối, chị Trần Thị Lý (42 tuổi, quê ở Phủ Lý, Hà Nam) chia sẻ, hôm nay nhiều việc, chị đã kéo được 3 xe hàng với mức giá 30.000 đồng/xe. Cố gắng trong buổi đêm nay được 10 chuyến là chị sẽ về nhà nghỉ ngơi.

Công việc vất vả nhưng mỗi chuyến hàng kéo từ chợ ra đường chỉ được trả công chỉ khoảng 30.000 - 50.000 đồng/ chuyến.

“Thời kỳ đầu làm công việc này không quen nên vất vả lắm, lại làm ban đêm giờ giấc sinh hoạt hoàn toàn bị thay đổi. Làm được một hôm mà đau ê ẩm khắp người. Nếu làm ít thì không có đủ tiền trang trải, có những hôm phải kéo những chuyến xe thật nặng thì mới có tiền lời, xứng đáng với công sức mình bỏ ra”, chị Lý nói.

Tương tự như chị Lý, chị Nguyễn Thị Hoa (35 tuổi, quê Xuân Trường, Nam Định) đang tất bật với công việc bốc hàng, bước chân thoăn thoắt để kịp nhận những chuyến hàng.

Chị Hoa làm công việc này đã được gần 5 năm. Tới thời điểm này, dù công việc có khó khăn vất vả nhưng với chị đây vẫn là cách nhanh và duy nhất để chị có công việc lo cho gia đình.

"Ngày 8.3 như bao ngày bình thường khác"

Đối với những người phụ nữ làm nghề bốc vác, cửu vạn tại chợ đầu mối Long Biên, ngày 8.3 của họ cũng như bao ngày khác. Để sinh sống và có tiền nuôi gia đình, họ vẫn phải tất tưởi ngược xuôi với công việc mà chẳng quản mưa nắng.

Đối với họ, 8.3 không có hoa cũng chẳng có quà. Món quà lớn nhất của họ có lẽ là thành quả lao động sau một đêm được trả công tương xứng.

Cầm chiếc khăn lau vội những giọt mồ hôi đang lăn dài trên trán, chị Nguyễn Thị Phương (39 tuổi, quê ở Thái Thụy, Thái Bình) cho biết, hàng ngày chị đi làm từ 7h tối đến sáng hôm sau về nhà nghỉ ngơi. Nếu làm chăm chỉ thì cũng được khoảng 200.000 – 400.000 đồng/buổi.

Lên thành phố xa gia đình đã gần 3 năm nay, nỗi nhớ nhà, nhớ các con luôn thường trực trong người phụ nữ này. Vì vậy chị luôn hi vọng rằng, những ngày như vậy sẽ có thêm được nhiều việc để làm hơn, có đủ tiền lo cho con cái.

Trải lòng về ngày mùng 8.3, chị Phương chia sẻ: "Với chúng tôi, quà tặng là điều gì đó rất xa vời. Chúng tôi chỉ hi vọng có nhiều việc làm, nhiều chuyến hàng, mong có sức khoẻ để mưu sinh, lo toan cho cuộc sống. Đấy chính là niềm vui của những người phụ nữ lao động tại đây".

Với mỗi nữ cửu vạn, để sinh sống và có tiền nuôi gia đình, ngày 8.3 họ vẫn phải tất tưởi với công việc mà chẳng quản mưa nắng.

Với những người phụ nữ lao động nơi đây, món quà lớn nhất của họ ngày 8.3 có lẽ là thành quả lao động sau một đêm được trả công tương xứng. Công việc của họ vẫn cứ thế diễn ra, không quản mệt nhọc, ngày hay đêm. Ai cũng nhanh chóng, hoàn thành xong chuyến hàng để kịp quay lại kéo chuyến hàng tiếp theo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn