MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tiêm vaccine COVID-19 cho người dân quận 7, TPHCM. Ảnh: Anh Tú.

Quận 7 TPHCM kiểm soát được dịch bệnh COVID-19 nhờ đâu?

KHÁNH LINH LDO | 03/09/2021 16:46

Ngày 2.9, quận 7 TPHCM công bố đã cơ bản kiểm soát được dịch COVID-19 căn cứ tiêu chí tỉ lệ phủ vaccine, "vùng xanh" và số ca mắc COVID-19. Đây là địa phương thứ 2 (cùng với huyện Củ Chi) công bố kiểm soát dịch bệnh COVID-19.

Trong lúc tình hình COVID-19 vô cùng phức tạp tại TPHCM, quận 7 từng là một trong 3 quận có số ca nhiễm cao do ổ dịch từ khu công nghiệp và các phường lân cận. Song cho đến nay, quận đã nhận được kết quả tích cực về phòng chống dịch nhờ bám sát thực tiễn và có giải pháp sáng tạo, phù hợp.

"Trong thời gian áp dụng Chỉ thị 16 tại TPHCM, UBND quận 7 đã ban hành 10 Quyết định về việc tăng cường, nâng cao các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn 10 phường" - đại diện UBND quận 7 thông tin.

Với quyết tâm chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho người dân, đặc biệt là điều trị các ca mắc COVID-19 trên địa bàn để giảm thiểu số ca tử vong, UBND quận 7 đã có quy chế phối hợp liên kết giữa các cơ sở điều trị COVID-19 với các bệnh viện đa khoa tư nhân trên địa bàn như Bệnh viện FV, Bệnh viện Tâm Đức...

Đồng thời, phối hợp với các Bệnh viện dã chiến của TP như Bệnh viện dã chiến số 16, Trung tâm hồi sức tích cực do Bệnh viện Bạch Mai vận hành... để hỗ trợ phối hợp điều trị F0 khi các cơ sở quận 7 không còn đủ khả năng chữa trị hay không còn sức chứa.

Bệnh nhân điều trị COVID-19 tại bệnh viện FV, quận 7. Ảnh: BVCC.

Bên cạnh đó, để hỗ trợ và thăm khám kịp thời cho các F0 điều trị tại nhà, quận 7 đã thành lập 44 trạm y tế tại 10 phường, với tổng số 83 bác sĩ, 11 dược sĩ, 22 điều dưỡng, 239 tình nguyện viên, trong đó có 34 trạm y tế lưu động.

Phụ trách chính về chuyên môn tại trạm y tế lưu động số 4, phường Tân Kiểng (quận 7) trước đó cũng đã đồng hành cùng Tổ y tế cộng đồng phường, bác sĩ Võ Việt Hản chia sẻ: "Tính chất công việc vẫn như vậy nhưng công việc tăng gấp 3 lần kể từ khi tôi chuyển sang công tác trạm y tế lưu động. Trung bình một ngày, trạm chúng tôi thăm khám khoảng 100 F0" - bác sĩ Hản chia sẻ.

Tính từ ngày 20.8 đến 2.9, các trạm y tế lưu động đã đến thăm khám trực tiếp cho 1.961 trường hợp, thăm khám và tư vấn online cho 5.792 trường hợp, chuyển viện cấp cứu 79 trường hợp.

Không chỉ điều trị cho các F0 tại nhà, quận 7 cũng đã nhanh chóng thành lập 21 khu cách ly tập trung, với quy mô 3.400 giường, dành cho các F0 không thể đáp ứng các điều kiện cách ly tại nhà, hoặc có triệu chứng nhẹ, béo phì, lớn tuổi, bệnh nền.

"Các khu cách ly cũng được tăng cường các y bác sĩ, các trang thiết bị cần thiết như bình ôxy, cũng như cấp phát một cơ số thuốc điều trị COVID-19 nhằm hạn chế tình trạng chuyển biến nặng của bệnh nhân. Hiện đang cách ly tập trung 643 người" - đại diện UBND quận 7 thông tin.

Anh Lê Thanh Tâm - Phụ trách Trạm y tế lưu động số 21 (phường Bình Thuận, quận 7) chia sẻ: "Trong phường Bình Thuận hiện nay còn 3 trạm y tế lưu động. Một số trạm đã được điều chuyển đến phụ trách khu cách ly tập trung trên địa bàn. Khu vực cách ly tập trung dành cho người dân ở các khu trọ mắc COVID-19 để họ có điều kiện điều trị và theo dõi tốt hơn" - anh Tâm nói. 

Với sự sáng tạo, huy động mọi nguồn lực, đầu tư về trang thiết bị, vật tư y tế, kết nối được với mạng lưới thầy thuốc trẻ TPHCM cùng các y bác sĩ đang sinh sống và làm việc trên địa bàn quận, các cơ sở y tế đã phát huy được chức năng của mình, kịp thời phát hiện, cấp cứu các ca trở nặng, giảm tỉ lệ tử vong đáng kể cho địa phương.

"Từ ngày 2.9 đến 6.9, quận sẽ tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm PCR đối với các hộ dân tại vùng xanh và vàng. Sau khi hoàn tất sẽ tổ chức đánh giá vùng lại, xây dựng cơ sở dữ liệu mới về các vùng nguy cơ, để có biện pháp quản lý phù hợp" - đại diện UBND quận 7 chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn