MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân Quận 7 vẫn thực hiện các biện pháp phòng dịch khi thực hiện "bình thường mới". Ảnh: Thanh Vũ

Quận 7 với cuộc sống "bình thường mới" nhưng không quên phòng dịch

Thanh Vũ LDO | 17/09/2021 07:24
Nhiều người dân không giấu được vui mừng khi Quận 7 (TP. Hồ Chí Minh) là một trong những địa phương đầu tiên kiểm soát được dịch COVID-19 và bắt đầu thực hiện cuộc sống "bình thường mới".

“Bình thường mới” nhưng vẫn lo phòng dịch

Sau hơn 3 tháng đóng cửa, nay cửa hàng cơm tấm của chị Bùi Thị Hồng Nhung (ngụ phường Tân Hưng) đã “đỏ lửa” trở lại. Chia sẻ với Lao Động, chị Nhung rất phấn khởi khi Quận 7 kiểm soát được dịch bệnh. Những tháng qua, quán cơm của chị Nhung không kinh doanh được nhưng vẫn trả tiền thuê mặt bằng, tiền trọ.

"Mấy tháng nay tôi không buôn bán được nhưng tiền mặt bằng vẫn không được giảm. Thật sự mừng lắm khi được kinh doanh trở lại. Tuy nhiên, lo dịch quay lại nên cũng phải cẩn thận, trước sau giữ gìn, tuân thủ nghiêm quy định của quận và thành phố”, chị Nhung phấn khởi chia sẻ.

Các cơ sở kinh doanh ăn uống chỉ được bán hàng thông qua ứng dụng trực tuyến. Ảnh: Thanh Vũ

Chị Nhung nói thêm: “Khi được bán trở lại, tôi chỉ bán thông qua ứng dụng giao hàng trực tuyến chứ không bán cho khách mua trực tiếp. Khi bán, tôi và nhân viên tuyệt đối tuân thủ quy định về giãn cách cũng như 5K. Tôi cũng dặn nhân viên của mình hạn chế tối đa việc tiếp xúc gần với những người xung quanh”.

Cùng quan điểm với chị Nhung, bà Lữ Thị Hồng (ngụ phường Phú Mỹ) cũng cho rằng người dân sinh sống tại Quận 7 không được lơ là các biện pháp phòng dịch khi Quận 7 chuyển sang trạng thái “bình thường mới”. Bà nói: “Khi đi làm, tôi đều mang bên mình cồn xịt khuẩn và rửa tay liên tục. Quận 7 được bình thường trở lại, tôi rất vui, nhưng không vì thế mà tôi lơ là thực hiện các quy tắc phòng dịch. Để có được ngày hôm nay là nỗ lực của cả thành phố cũng như ý thức chấp hành 5K của toàn thể người dân”.

Bà Hồng liên tục khử khuẩn trong thời gian làm việc. Ảnh: Thanh Vũ

Sáng nay, được tham gia một số hoạt động, đi chợ trở lại, anh Nguyễn Thanh Tùng, (ngụ phường Tân Phong) rất phấn khởi. Anh đã dậy sớm để đi mua thực phẩm cho cả nhà sau những ngày ở yên trong nhà nhờ đi chợ hộ.

Anh Tùng chia sẻ: “Dù đi siêu thị sáng nay có hơi đông và phải xếp hàng lâu nhưng tôi vẫn rất vui và phấn khởi. Mừng cho thành phố khi đã có những khu vực đầu tiên kiểm soát được dịch. Tôi tin, với những “chiến thắng” ban đầu này, TPHCM chắc chắn sẽ sớm đẩy lùi dịch bệnh và người dân được trở lại cuộc sống bình thường”.

Mong mỏi được làm việc trở lại bình thường

Từ ngày 15.9, Quận 7 thí điểm cho 150 doanh nghiệp, hộ kinh doanh được phép hoạt động trở lại. Theo kế hoạch của Quận 7, bước đầu là phải phục hồi sản xuất, các dịch vụ (ngân hàng, công chứng) và kinh doanh mặt hàng thiết yếu (lương thực, thực phẩm, thuốc men...). Sau đó sẽ dần dần mở cửa trở lại những ngành nghề, dịch vụ khác khi tình hình dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát tốt hơn.

Quận 7 thí điểm thực hiện cuộc sống “bình thường mới” khi đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh trên địa bàn. Ảnh: Thanh Vũ

Tạm ngừng việc kinh doanh cà phê đã hơn 3 tháng, bà Nguyễn Thị Ngọc Thuý (ngụ phường Tân Quy) vẫn liên tục theo dõi tin tức về tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn TPHCM với hy vọng sớm được trở lại kinh doanh. Hiện tại, do chưa đủ điều kiện nên quán cà phê của bà Thuý vẫn chưa thể hoạt động trở lại.

Trước khi Quận 7 thực hiện  cuộc sống “bình thường mới”, bà Thuý đã 2 lần nhận trợ cấp từ địa phương. Tuy nhiên, gia đình bà vẫn khá chật vật để trang trải chi phí.

Bà Thuý được hỗ trợ giảm 50% tiền nhà trọ. Nhưng mỗi tháng bà vẫn phải chi trả 7 triệu đồng tiền thuê mặt bằng dù việc kinh doanh đã “đóng băng” nhiều tháng nay.

Nhiều cơ sở kinh doanh ở Quận 7 vẫn “cửa đóng then cài“. Ảnh: Thanh Vũ

“Sự hỗ trợ từ nhà nước là có chừng mực. Tôi không thể đòi hỏi quá nhiều vì thành phố vẫn còn rất nhiều người cần được giúp đỡ. Lúc này, tôi chỉ mong có thể trở lại buôn bán để tự chăm sóc bản thân và gia đình”, bà Thuý chia sẻ.

Cùng cảnh ngộ với bà Thuý là ông Phan Nguyễn Hoàng Nam (ngụ phường Bình Thuận), một thân một mình từ Cà Mau vào TPHCM làm thuê. Tuy nhiên, khi công việc còn chưa kịp ổn định thì tình hình dịch bệnh khiến ông lâm vào cảnh thất nghiệp.

“Nhớ nhà lắm! Có lúc tôi dự định về quê nhưng do quy định của thành phố nên tôi tiếp tục ở lại đây cầm cự. Chủ nhà trọ thấy hoàn cảnh tôi không đi làm được nên cũng không thu tiền trọ 2 tháng nay”, ông Nam chia sẻ.

Ông Nam mong mỏi ngày được đi làm trở lại. Ảnh: Thanh Vũ

Khi được hỏi về việc Quận 7 bắt đầu thực hiện cuộc sống “bình thường mới”, ông Nam nói: “Ngày nào tôi cũng theo dõi thông tin dịch bệnh và hy vọng thành phố sớm được trở lại như xưa. Khi biết khu vực tôi đang ở đã kiểm soát được dịch bệnh, tôi mừng lắm! Bây giờ tôi chỉ mong có thể được đi làm trở lại để kiếm tiền gửi về gia đình ở quê. Mấy tháng nay, tôi không đi làm được thì gia đình tôi ở quê cũng vất vả theo”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn