MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phụ xe (đầu tiên từ trái qua) nộp tiền “cắt phế” cho các đối tượng bảo kê. Ảnh: Đ.T

Quản chặt địa bàn để ngăn ngừa tội phạm băng nhóm bảo kê

ĐÌNH TRƯỜNG LDO | 28/06/2021 12:03

Trong các vụ việc có yếu tố của tội phạm băng nhóm, bảo kê, cơ quan chức năng địa phương cần phát huy vai trò của mình trong việc kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm minh. Điều này sẽ cho thấy tính minh bạch, không có vùng cấm và không chấp nhận sự dung dưỡng cho bất cứ hành vi vi phạm pháp luật nào.

Ngang nhiên coi thường pháp luật

Báo Lao Động đã đăng tải loạt bài viết "Bảo kê vận tải hàng hóa: Nhức nhối trên tuyến Hà Nội - Hải Phòng" phản ánh về việc tại khu vực Đại lộ Thăng Long (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), một nhóm đối tượng ngang nhiên đứng ra bảo kê, thu tiền “cắt phế" vận chuyển hàng hóa. Các nhà xe muốn lấy hàng tại đây đều phải nộp cho các đối tượng số tiền từ vài chục đến hàng trăm nghìn đồng trên mỗi đầu hàng hóa.

Theo ông P.A - Giám đốc một doanh nghiệp vận tải, trong quá trình kinh doanh vận tải trên tuyến Hà Nội - Hải Phòng, doanh nghiệp của ông thường xuyên bị một số đối tượng trực tiếp hoặc gọi điện đe dọa, chặn xe yêu cầu đi sau hoặc không được đón khách tại khu vực Đại lộ Thăng Long từ bến xe Yên Nghĩa đi ra. Trường hợp lái, phụ xe không thực hiện theo yêu cầu của các đối tượng này sẽ bị đe dọa, chửi bới, đánh đập.

"Điển hình vào 9h ngày 1.3, công ty chúng tôi có xe ôtô mang BKS 29B. 143xx, do lái xe P.V.T điều khiển, chạy từ bến xe Yên Nghĩa ra đến Đại lộ Thăng Long thì bị các đối tượng này chặn lại, không cho đón khách và hàng lên xe. Lái, phụ xe có hỏi lại thì các đối tượng này nhảy lên xe và hành hung nhân viên phụ xe. Và còn nhiều trường hợp lái xe bị gọi điện đe dọa, buộc phải chạy theo sự chỉ đạo của các đối tượng trên" - ông A cho biết.

Đáng chú ý, theo giám đốc doanh nghiệp vận tải, các đối tượng thực hiện hoạt động bảo kê, nếu doanh nghiệp nào hằng tháng không nộp tiền sẽ đe dọa nhân viên, các xe không được đón khách tại nơi mà nhóm này quản lý. Theo tìm hiểu của PV, con số mà các đối tượng yêu cầu doanh nghiệp nộp để được bảo kê là 140 triệu đồng/tháng.

"Các đối tượng này đã nhiều lần đến trụ sở công ty chúng tôi, đặt vấn đề bảo kê cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, do chúng tôi không đáp ứng nên những người này đã dùng các thủ đoạn chặn xe, đe dọa và hành hung" - ông A thông tin.

Theo ông A, những hành vi của các đối tượng trên đã gây thiệt hại rất lớn, không chỉ riêng với doanh nghiệp của ông. Tình trạng kéo dài khiến doanh thu sụt giảm. Nhiều lái, phụ xe lo sợ bị đe dọa và hành hung nên đã xin nghỉ việc dẫn tới hãng xe cũng phải giảm tần suất hoặc ngừng chạy.

Trước đó, nhiều tội phạm, băng nhóm bảo kê ở các địa phương lộng hành cũng gây nhức nhối trong dư luận. Điển hình là hành vi của nhóm đối tượng do Nguyễn Xuân Đường (tức Đường "Nhuệ”, tỉnh Thái Bình) cầm đầu. Đường "Nhuệ" cùng đồng bọn trong một thời gian dài đã thực hiện hành vi cưỡng đoạt tài sản, ăn chặn tiền mai táng. Sự việc khiến hàng chục doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ mai táng ở Thái Bình điêu đứng...

Hay như băng nhóm bảo kê của Loan "cá" tại Đồng Nai; nhóm bảo kê của Hưng "kính" tại chợ Long Biên...

Tăng cường giám sát, quản lý địa bàn

Theo đánh giá của các chuyên gia, hoạt động bảo kê, đe dọa, hành hung nhằm chiếm đoạt tài sản gây bức xúc trong dư luận cần phải xử lý kịp thời, nghiêm minh để thiết lập lại trật tự, an toàn xã hội.

Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho rằng, các đối tượng thực hiện hoạt động bảo kê, có hành vi đe dọa, uy hiếp, hành hung người khác để chiếm đoạt tài sản có thể xử lý hình sự về tội Cưỡng đoạt tài sản (điều 170) hoặc tội Cướp tài sản (điều 168) Bộ luật Hình sự năm 2015.

"Pháp luật bảo vệ quyền sở hữu tài sản của công dân. Việc chuyển quyền sở hữu phải trên cơ sở tự nguyện trong các giao dịch dân sự, kinh doanh thương mại. Hành vi đe dọa uy hiếp, sử dụng vũ lực để chuyển giao tài sản, buộc phải nộp những khoản phí, lệ phí không đúng quy định thì đây là hành vi nguy hiểm cho xã hội. Thậm chí, hành vi dùng vũ lực để có được tài sản là hành vi chiếm đoạt tài sản, thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội Cướp tài sản, các đối tượng có thể đối diện mức phạt 7 - 15 năm tù" - chuyên gia pháp lý cho hay.

Liên quan đến vấn đề này, Trung tá Đào Trung Hiếu - chuyên gia tội phạm học (Bộ Công an) cho rằng để xử lý vấn đề của tội phạm bảo kê, yếu tố quan trọng hàng đầu là vai trò chính quyền địa phương nhằm giám sát, quản lý địa bàn.

“Trong câu chuyện này, vai trò của tổ chức an ninh cơ sở, các lực lượng quản lý là hết sức quan trọng, phải nắm được thông tin đầu tiên. Ở cơ sở, cán bộ công an các phường, xã cần phải đi sâu để nắm bắt tình hình, kịp thời phát hiện ra các băng ổ nhóm bảo kê đang hoạt động nhằm cưỡng đoạt hay cướp tài sản. Ngoài ra, cũng cần phát huy vai trò của quần chúng để có được các nguồn tin tố giác, để người bị hại tiếp cận được kênh thông tin chính thức, lên tiếng đưa các đối tượng ra ánh sáng để xử lý" - Trung tá Đào Trung Hiếu cho biết.

Các chuyên gia cũng cùng chung nhận định, trong các vụ việc có yếu tố của tội phạm băng nhóm, bảo kê, cơ quan chức năng địa phương cần phát huy vai trò của mình trong việc kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm minh. Điều này sẽ cho thấy tính minh bạch, không có vùng cấm và không chấp nhận sự dung dưỡng cho bất cứ hành vi vi phạm pháp luật nào.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn