MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Quận Đống Đa lý giải nguyên nhân cây xanh khô héo trên đường trăm tỉ

HỮU CHÁNH LDO | 02/04/2023 15:38
Hà Nội - Qua kiểm tra, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Đống Đa phát hiện một số cây xanh có dấu hiệu khô héo, nghi bị chết khô. Theo nhận định ban đầu, nguyên nhân có thể do thời tiết thời điểm trồng không phù hợp hoặc do kỹ thuật trồng.

Cuối tháng 1.2023, dự án đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài được thông xe sau nhiều lần lỗi hẹn. Các hạng mục của dự án như cây xanh, đèn chiếu sáng, biển báo... được hoàn thiện và đưa vào sử dụng.

Đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài. Ảnh: Hữu Chánh

Nhưng theo ghi nhận, chưa được bao lâu, hàng loạt cây xanh trên tuyến đường này đã có dấu hiệu khô héo, trơ trụi, mất sự sống...

Chiều 2.4, hàng cây xanh trên phố được trồng nửa tháng trước khi thông xe đến nay đã có dấu hiệu chết khô; nhiều thân cây bong tróc vỏ, trơ trụi; gốc gây bị mục nát, biến dạng...

Đa số cây có thân khô cằn, trơ trụi từ gốc đến ngọn, không có chút màu xanh nào của lá. Ảnh: Hữu Chánh
Phần lớn những cây trên tuyến đường này đã bị khô. Ảnh: Hữu Chánh

Những cây này cũng được chống đỡ bằng các cột sắt cao khoảng 2m, có tác dụng giúp cây phát triển theo chiều thẳng đứng, tránh gãy đổ khi gặp thời tiết xấu.

Anh Nguyễn Quang Thành (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, hàng loạt cây xanh đã được trồng trước thời điểm tuyến đường này hoàn thiện vào thông xe. Tuy nhiên, số lượng cây xanh phát triển bình thường ít hơn rất nhiều so với những cây khô héo.

"Thời gian qua, cũng không thấy lực lượng chăm sóc cẩn thận, không được tưới nước thường xuyên", anh Thành nói.

Theo quan sát, nhiều cây rất khó để có thể sống sót. Ảnh: Hữu Chánh

Liên quan đến vấn đề trên, UBND quận Đống Đa cho biết, dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài trên địa bàn quận có chiều dài 1,3 km, bề rộng 28,3 - 30m.

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 342 tỉ đồng từ ngân sách thành phố Hà Nội và giao UBND quận Đống Đa làm chủ đầu tư thực hiện dự án. Điểm đầu tuyến tại vị trí nút giao đường Huỳnh Thúc Kháng đến đường Nguyễn Chí Thanh, điểm cuối tuyến tại vị trí nút giao Voi Phục - Giảng Võ.

Những cây này cũng được chống đỡ bằng các cột sắt cao khoảng 2 m. Ảnh: Hữu Chánh

Về thiết kế, cây xanh trồng trên vỉa hè tuyến đường này phù hợp với chủng loại cây đô thị, bố trí cách mép đường 1,2 m, đường kính thân cây 20 - 25cm, khoảng cách 10 m/cây.

Hiện, quận Đống Đa đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận phối hợp với nhà thầu thi công là liên danh Công ty Đường bộ Phú Thọ và Công ty cổ phần Đầu tư DCC Hà Nội kiểm tra hạng mục cây bóng mát mới trồng trên toàn tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài.

Chỉ có một số ít cây là có dấu hiệu của sự sống, ra lá xanh. Ảnh: Hữu Chánh

Qua kiểm tra, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Đống Đa phát hiện một số cây xanh có dấu hiệu khô héo, nghi bị chết khô. Theo nhận định ban đầu, nguyên nhân có thể do thời tiết thời điểm trồng không phù hợp hoặc do kỹ thuật trồng.

Hiện nay, công trình đang trong giai đoạn bàn giao để đưa vào sử dụng, trách nhiệm quản lý, chăm sóc, bảo hành cây xanh mới trồng do nhà thầu thi công thực hiện.

UBND quận Đống Đa đã yêu cầu nhà thầu thi công tuyến đường trồng thay thế ngay cây nghi bị chết khô. Theo kế hoạch, việc này sẽ được triển khai thực hiện trong tuần tới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn