MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều học sinh có biểu hiện ngộ độc được cấp cứu tại các cơ sở y tế. Ảnh: Thiều Trang

Quản lý bếp ăn trường học còn lỏng lẻo, chưa lường hết được nguy cơ

Thuỳ Linh LDO | 30/03/2023 07:00

Hàng chục học sinh trường Tiểu học Kim Giang (Thanh Xuân - Hà Nội) phải nhập viện với các biểu hiện ngộ độc sau chuyến đi dã ngoại. Trước đó, nhiều vụ ngộ độc thực phẩm khiến nhiều em học sinh phải nhập viện và có học sinh đã tử vong khiến các bậc phụ huynh lo lắng.

Xảy ra những vụ việc đáng lo ngại như vậy, thì câu hỏi làm thế nào để kiểm soát chất lượng bữa ăn bán trú của học sinh hiện nay lại tiếp tục là vấn đề nhức nhối. Trao đổi về vấn đề quản lý các bếp ăn tập thể hiện nay, TS.BS Trương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Y học Ứng dụng Việt Nam cho biết, tại Việt Nam các ban ngành, Sở Giáo dục và Đào tạo cùng với các trường cũng có những quy chuẩn riêng cho việc quản lý bếp ăn tại trường học. 

Để đảm bảo ATVSTP, ngành GDĐT đã chỉ đạo các trường học có tổ chức ăn bán trú và căng tin trong các trường thực hiện nghiêm túc các quy định đã có. Trước hết là phải có quy định về ATVSTP đối với nhân viên, người làm việc tại nhà ăn, căng tin, nhà bếp, kho chứa thực phẩm. 

Tiếp đó, các cơ sở tuyệt đối không sử dụng thực phẩm không đảm bảo vệ sinh để chế biến thức ăn; không ký hợp đồng sử dụng suất ăn chế biến sẵn không đảm bảo các quy định về ATVSTP; Các cơ sở giáo dục triển khai chương trình sữa học đường phải tổ chức, hướng dẫn cho trẻ em, học sinh uống sữa đúng cách, tuân thủ nghiêm các quy định về ATVSTP của Bộ Y tế...

Mặc dù, trách nhiệm quản lý thuộc về các cơ quan chức năng, trách nhiệm trực tiếp là nhà trường nhưng phụ huynh cũng không thể hoàn toàn phó mặc cho nhà trường và cơ quan chức năng. Vai trò của các bậc phụ huynh trong việc tham gia cùng nhà trường giám sát, kiểm soát thực phẩm nấu cho học sinh bán trú là quan trọng hơn bao giờ hết. 

Theo nhận định của TS Trương Hồng Sơn, việc phối hợp kiểm tra giám sát bữa ăn cho học sinh giữa nhà trường và phụ huynh là điều rất cần thiết. "Để đảm bảo điều này, các nhà trường nên thành lập các ban kiểm tra tiếp nhận thực phẩm bán trú, có sự góp mặt của ban lãnh đạo nhà trường, đại diện phụ huynh học sinh, kiểm tra về số lượng, chất lượng thực phẩm, nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm ghi trên bao bì, nhãn mác. 

Bên cạnh đó nhân viên y tế nhà trường thường xuyên kiểm tra, test nhanh mẫu thực phẩm hàng ngày tại các bếp ăn tập thể. Triển khai test chuyên sâu định kỳ nhằm phục vụ công tác giám sát an toàn thực phẩm" - ông Sơn nhấn mạnh. 

Để tránh xảy ra tình trạng ngộ độc tại các bếp ăn bán trú của học sinh, TS Trương Hồng Sơn cũng cho rằng, đã đến lúc báo động, phải có những biện pháp mạnh mẽ hơn trong việc quản lý bếp ăn trường học. 

"Nhiều trường học chưa “rộng cửa” để phụ huynh được góp mặt trong kiểm soát bếp ăn bên cạnh đó chính phía phụ huynh đôi khi cũng bận rộn, không có thời gian để sát sao được hết" - ông nói. 

Ngoài ra, nhân viên y tế nhà trường phải thường xuyên kiểm tra, test nhanh mẫu thực phẩm hàng ngày tại các bếp ăn tập thể. Triển khai test chuyên sâu định kỳ nhằm phục vụ công tác giám sát an toàn thực phẩm. Ngoài nguồn gốc thực phẩm, cũng cần kiểm tra, giám sát, thực hiện quy trình đảm bảo VSATTP với người trực tiếp sơ chế, chế biến thực phẩm, với cơ sở vật chất, dụng cụ chế biến. An toàn thực phẩm phải được thực hiện ở tất cả các khâu, từ sản xuất đến chế biến, phân phối và tiêu dùng, từ trang trại tới bàn ăn. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn