MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vỉa hè trên địa bàn quận Hoàn Kiếm bị chiếm dụng. Ảnh: Phạm Đông

Quản lý lòng đường, vỉa hè: Mức xử phạt quá nhẹ, chưa đủ răn đe

PHẠM ĐÔNG LDO | 28/03/2023 07:37

Theo luật sư, để giải quyết tình trạng lấn chiếm, sử dụng vỉa hè trái quy định thì cần có cách tiếp cận toàn diện, xử lý nghiêm cán bộ có trách nhiệm và tăng mức phạt với người vi phạm.

Những năm qua, Hà Nội đã nhiều lần hạ quyết tâm “giành lại vỉa hè cho người đi bộ”, tuy nhiên chưa đạt kết quả như mong muốn. Người dân đã quen thuộc với những đợt ra quân rầm rộ giành lại vỉa hè của lực lượng chức năng, đồng thời cũng quen với khái niệm “ném đá ao bèo”, hết cao điểm đâu lại vào đó. 

Người dân mong mỏi việc xử lý vi phạm lấn chiếm hè đường sẽ được làm quyết liệt như xử lý vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông, không có ngoại lệ, không có vùng cấm. Sau xử lý, lực lượng chức năng còn cần phải duy trì tốt trật tự, nghiêm khắc, quyết liệt với những trường hợp “nhờn luật”, nay đi mai quay lại.

Nhiều ý kiến cho rằng hiện nay mức xử phạt vi phạm vỉa hè đang quá nhẹ, chỉ như “ném đá ao bèo”.

Trao đổi với Lao Động tối 27.3, luật sư Quách Thành Lực (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm. Nếu vi phạm, cá nhân, tổ chức thực hiện có thể bị xử phạt vi phạm hành chính. Trong đó, Điều 12 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30.12.2019 của Chính phủ quy định rõ các mức xử phạt các hành vi vi phạm quy định về sử dụng, khai thác trong phạm vi đất dành cho đường bộ. Đối với hành vi buôn bán lấn chiếm vỉa hè có thể phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với tổ chức.

Theo luật sư Lực, đối với hành vi lấn sử dụng trái phép lòng đường đô thị, hè phố để: Họp chợ; kinh doanh dịch vụ ăn uống; bày, bán hàng hóa; sửa chữa phương tiện, máy móc, thiết bị; rửa xe; đặt, treo biển hiệu, biển quảng cáo; xây, đặt bục bệ; làm mái che hoặc thực hiện các hoạt động khác gây cản trở giao thông chiếm lòng lề đường có thể phạt tiền từ 2 -3 triệu đồng đối với cá nhân, từ 4 -6 triệu đồng đối với tổ chức.

Ngoài ra, trong quá trình buôn bán nếu đổ rác ra đường bộ không đúng nơi quy định thì cá nhân có thể bị phạt tiền từ 1-2 triệu đồng, tổ chức bị phạt từ 2-4 triệu đồng.

Công an vừa đi qua, vỉa hè lại bị tái chiếm. Ảnh: Phạm Đông

Nếu chiếm dụng lòng đường đô thị hoặc hè phố từ 5 m2 đến dưới 10 m2 làm nơi trông, giữ xe thì bị hạt từ 4-6 triệu đồng đối với cá nhân, 8-12 triệu đồng với tổ chức. Chiếm dụng từ 10 m2 đến dưới 20 m2 thì phạt từ 6-8 triệu đồng đối với cá nhân, 12-16 triệu đồng với tổ chức. Chiếm dụng từ trên 20m2 thì phạt từ 10-15 triệu đồng đối với cá nhân, 20-30 triệu đồng với tổ chức.

Còn luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, hè phố là để dành cho người đi bộ, không nên trở thành nơi đỗ ô tô. Luật Giao thông đường bộ năm 2008 có một loạt quy định về việc này. Cụ thể tại Khoản 3, Điều 8 quy định rõ "nghiêm cấm sử dụng lòng đường, lề đường, hè phố trái phép".

Khoản 1, Điều 32 về "Người đi bộ" quy định "người đi bộ phải đi trên hè phố, lề đường. Trường hợp đường không có hè phố, lề đường thì người đi bộ phải đi sát mép đường". Ngoài ra, Khoản 2, Điều 19 về "Dừng xe, đỗ xe trên đường phố" quy định "không được để phương tiện giao thông ở hè phố trái quy định".

Tuy nhiên, luật sư Quách Thành Lực cho rằng, cần tăng chế tài xử phạt, chứ như hiện nay, mức phạt chưa tương xứng, dễ bị nhờn luật. Đồng thời, để tăng tính răn đe, cần có thêm hình phạt bổ sung như cấm kinh doanh trong thời hạn với hộ vi phạm, thậm chí tịch thu phương tiện, hàng hoá vi phạm.

phải gắn trách nhiệm cụ thể cho cá nhân, tổ chức được giao nhiệm vụ bảo đảm trật tự vỉa hè. Nếu nơi nào để tình trạng vỉa hè bị chiếm dụng nhiều thì cần xử lý nghiêm cán bộ có trách nhiệm. Từ đó ngăn chặn và xử lý nghiêm những biểu hiện dung túng, bao che, “bật đèn xanh” cho các sai phạm liên quan đến quản lý, sử dụng vỉa hè.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn