MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công khai, minh bạch tiền công đức sẽ giúp cho những cá nhân, tập thể góp tiền yên tâm hơn. Ảnh: G.T

Quản lý tiền công đức qua tài khoản: Minh bạch dòng tiền “ra - vào”

Cao Nguyên LDO | 20/04/2022 07:29
Dự thảo Thông tư quy định quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến góp ý. Trong đó, quy định mở tài khoản quản lý tiền công đức riêng tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại nhằm mục đích minh bạch dòng tiền “ra - vào”.

Quản lý dòng tiền ra - vào

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân với dự thảo (lần 3) Thông tư quy định quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội. Nội dung dự thảo lần này chi tiết hơn so với 2 lần trước.

Theo đó, dự thảo đề xuất đơn vị tiếp nhận tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội phải mở tài khoản riêng tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại. Sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội theo chuyển khoản, phương thức thanh toán điện tử.

Trong trường hợp tiếp nhận bằng tiền mặt phải có ghi sổ đầy đủ. Đối với tiền trong hòm công đức, tiền đặt lễ, tiền khấn… định kỳ hàng ngày hoặc hàng tuần, cơ sở di tích phải kiểm đếm, ghi sổ số tiền tiếp nhận. Số tiền công đức tạm thời nhàn rỗi được gửi vào tài khoản tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại.

Bộ Tài chính lý giải, quy định nêu trên nhằm đảm bảo cho việc tiếp nhận, quản lý tiền công đức, tài trợ được an toàn, thuận tiện; đồng thời cũng đáp ứng nhu cầu của nhiều tổ chức, cá nhân có thể công đức, tài trợ cho di tích trong giai đoạn giãn cách xã hội. Thông tư cũng đưa ra cách phân chia việc quản lý, sử dụng tiền công đức đối với một số trường hợp cụ thể.

Vấn đề minh bạch, công khai tiền công đức được đặt ra sau không ít lùm xùm về việc thu chi khoản tiền này tại các di tích và lễ hội ở một số địa phương thời gian qua.

Được biết, đến nay Bộ Tài chính đã nhận được rất nhiều góp ý bằng văn bản của các cơ quan, tổ chức và cá nhân. Phía Bộ đã và đang nghiên cứu các ý kiến góp ý, trên cơ sở đó hoàn chỉnh lại dự thảo Thông tư.

Có tính khả thi?

Trao đổi với Lao Động về vấn đề này, chuyên gia văn hóa, PGS-TS Phạm Ngọc Trung - Giảng viên cao cấp, nguyên Trưởng khoa Văn hóa học - Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng, để minh bạch tuyệt đối trong việc này là rất khó. Bởi lẽ, để hình thành tài khoản chỉ có những lượng tiền lớn hoặc nơi xa chuyển đến.

Còn những trường hợp gần, họ đến tận nơi để trao cho nhà chùa, cơ sở thờ tự. Mặt khác, một số trường hợp đến hành hương, lễ bái không cung tiến nhiều chính vì vậy không tiện để chuyển qua tài khoản.

“Chúng ta nên mở cửa rộng lớn để đón tất cả những tấm lòng công đức của người dân. Kể cả người công đức hàng tỉ đồng nhưng cũng có những người công đức chỉ là một vài chục nghìn thậm chí vài nghìn. Có nhiều hình thức và chúng ta phải tôn trọng các hình thức đó”, PGS-TS Trung nói và cho biết thêm, phong tục tập quán của Việt Nam, khi đến chùa chiền, đền miếu họ luôn thể hiện tấm lòng mộ đạo của mình. Có người công đức viết giấy nhưng cũng có người họ rất lặng lẽ.

Vị này cho biết, hiện nay một số cơ sở có lượng tiền công đức lớn đã thực hiện gửi Kho bạc để quản lý hộ và chi tiêu dần. Tuy nhiên, để mở rộng ra quy mô lớn trên cả nước, trở thành quy định, quy chế phải từng bước, phải có những quan niệm và hình thức đa dạng, rộng rãi… Việc làm này để người dân và những người quản lý nơi thờ tự chuyển dần trong nhận thức đến trong thực hiện.

“Từ trước đến nay Nhà nước ta có chủ trương những nơi cơ sở thờ tự thì để cho tín ngưỡng tôn giáo quản lý, trực tiếp chi tiêu. Chính vì vậy, có những cơ sở thờ tự làm tốt, làm công khai minh bạch nhưng bên cạnh đó cũng có những cơ sở làm không minh bạch như báo chí đã nêu”, chuyên gia này phân tích.

PGS.TS Trung đưa ra ý kiến rằng, phải quản lý từng bước, phải có lộ trình cho hợp lý. Bởi có những cơ sở lớn thì quản lý dễ nhưng có những cơ sở quá nhỏ rất khó. Nên phân cấp ra, bước một là tập trung vào những cơ sở lớn, thờ tự lớn. Còn những nơi nhỏ, trung bình sau khi bước một trơn tru ta tiếp tục làm.

“Chúng ta phải quản lý để cho các cơ sở thờ tự đó, hoặc người duy trì hoạt động đó có một khoản tiền nhất định, khoản quyền lợi nhất định để chi tiêu, tu bổ chùa. Tạo ra một khoảng mở chứ không khắt khe quá. Đây là một quyết định chiến lược, mang tính cả nước nên phải nhìn tổng thể chứ nếu nhìn phiến diện rất dễ thất bại và tạo ra những mâu thuẫn không tốt”, ông Trung nói thêm.

Ở một góc nhìn khác, chuyên gia tài chính, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, các quy định của Thông tư là rất rõ ràng. Tuy vậy, từ văn bản pháp quy tới thực tiễn cuộc sống có thể có những sai lệch nhất định. Vì thế, sau khi Thông tư được hoàn thiện và ban hành, việc thực hiện Thông tư cũng sẽ là sự kiểm nghiệm thực tiễn, là cơ sở để chúng ta có những sửa đổi về sau.

“Nếu quản lý nguồn tiền công đức tại cơ sở tôn giáo được minh bạch, những cá nhân đóng góp họ sẽ yên tâm hơn khi biết tiền đóng góp được sử dụng đúng mục đích”, ông Thịnh nói thêm.

Một số chuyên gia khác nêu ý kiến, việc mở tài khoản riêng tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại nhằm mục đích minh bạch dòng tiền “ra - vào”, điều này không ảnh hưởng đến quá trình tiếp nhận tiền công đức, tài trợ cho các cơ sở tôn giáo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn