MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
GS-TS Nguyễn Chí Bền - Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa Quốc gia.

Quan niệm cúng ông Công, ông Táo trước 12h trưa 23 tháng Chạp là chưa phù hợp

Bích Hà LDO | 07/02/2018 11:29
Từng có quan niệm cho rằng, nên cúng ông Công, ông Táo trước thời điểm 12 trưa 23 tháng Chạp. Tuy nhiên, theo GS-TS Nguyễn Chí Bền - Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa Quốc gia, nguyên Viện trưởng Viện văn hoá nghệ thuật VN, đây chưa phải là cách ứng xử phù hợp với tín ngưỡng.

Theo tục lệ cổ truyền của người Việt, ngày 23 tháng Chạp âm lịch hàng năm, các gia đình làm mâm cỗ mặn, hương hoa để tiễn ông Táo về trời. Cũng không biết từ thời điểm nào người dân lại có quan niệm nhất thiết phải cúng ông Công, ông Táo trước 12h ngày 23 tháng Chạp, để ông Táo kịp cưỡi cá chép về trời báo cáo với Ngọc Hoàng.

Chia sẻ về điều này, GS-TS Nguyễn Chí Bền - Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa Quốc gia, nguyên Viện trưởng Viện văn hoá nghệ thuật VN - cho rằng, tùy theo điều kiện, mỗi gia đình có thể chọn thời điểm cúng ông Công, ông Táo khác nhau, miễn sao là có tấm lòng thành.

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, việc nhiều người có quan niệm phải cúng vào trước 12h trưa 23 tháng Chạp chưa phải là cách ứng xử phù hợp với tín ngưỡng.

“Theo vòng quay thời gian, khi còn khoảng 7 ngày nữa là đến năm mới, tức ngày 23 tháng Chạp, là thời điểm đẹp nhất để người dân làm mâm cơm cúng, mời ông Công ông Táo ăn bữa cơm đó rồi cưỡi cá chép bay về trời.

Vào buổi sáng, gia chủ sẽ thắp hương xin phép để lau dọn bàn thờ tổ tiên, đến buổi chiều sẽ làm mâm cơm cúng. Thời điểm cúng tốt nhất là vào lúc chiều tối 23 tháng Chạp, thời điểm giao thời giữa ngày và đêm. Khi hóa cũng phải vào thời điểm nhập nhẹm tối, chân hương, tiền vàng, cá chép giấy sẽ được hóa cùng mũ áo để ông Công, ông Táo cưỡi cá chép bay lên trời” - GS Nguyễn Chí Bền chia sẻ.

Cũng theo nhà nghiên cứu văn hóa này, sự tích “ông Công, ông Táo” có từ thời huyền thoại, xuất phát từ mô típ “một bà hai ông”, khi loài người đang ở chế độ quần hôn chuyển sang chế độ hôn nhân một vợ một chồng.

Từ mô típ này, chủ thể của hoạt động văn hóa dân gian đó chính là người nông dân, gắn liền với nghề trồng lúa nước. Cái tối thượng đối với họ là đất, nên gia đình nào cũng thờ ông thần đất.

Ngoài ra, trong bếp của các gia đình người Việt xưa thường có ba ông đầu rau - tức là ba hòn đất nặn dùng để kê nồi đun bếp. Thời điểm còn một tuần nữa là đến Tết Nguyên đán, người dân sẽ dọn dẹp nhà cửa, bếp núc và phải đắp 3 ông đầu rau mới thay 3 ông đầu rau cũ đi. Sau đó người dân tổ chức cúng để 3 ông đầu rau bay lên trời, bẩm báo với Ngọc Hoàng những cái được và những gì chưa may mắn, bất hạnh của gia đình trong một năm qua.

Theo thời gian, người dân sáng tạo và lưu truyền thêm những câu chuyện khác liên quan đến nguồn gốc của ngày lễ ông Công, ông Táo. Tuy nhiên, tất cả đều ca ngợi tình nghĩa con người trong xã hội và nhắc nhở mọi người cần phải cố gắng làm những việc tốt, làm ăn lương thiện, các thành viên trong gia đình sống hoà thuận, yêu thương nhau.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn