MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Quán "vùng vàng" trong quận "vùng cam" ở Hà Nội

TRẦN TUẤN - HỮU CHÁNH LDO | 12/01/2022 10:21

Hà Nội - Thương hiệu Lâm Cafe có 2 cửa hàng cùng nằm trên tuyến đường Nguyễn Hữu Huân (Hoàn Kiếm), chỉ cách nhau 100 mét nhưng lại thuộc 2 phường khác nhau cũng rơi vào cảnh "nơi tấp nập, chỗ đìu hiu".

Cảnh đối lập trên một con phố

Theo công bố cấp độ dịch của Hà Nội ngày 7.1, Hoàn Kiếm vẫn ở cấp độ 3 (vùng cam). Tuy vậy, trên địa bàn quận Hoàn Kiếm vẫn có 5 phường thuộc cấp độ 2 (vùng vàng) bao gồm Phan Chu Trinh, Trần Hưng Đạo, Hàng Trống, Tràng Tiền, Hàng Bạc.

Theo thông báo số 217 của UBND Quận Hoàn Kiếm, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn 5 phường trên vẫn được phục vụ tại chỗ. Trong khi đó, 13 phường còn lại trên địa bàn quận thì chỉ được bán mang về.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Lao Động, một vài con phố thuộc quận Hoàn Kiếm bỗng chốc trở thành điểm giáp ranh giữa "vùng cam" và "vùng vàng". Là quận Trung tâm thủ đô, diện tích chỉ hơn 5,29 km2, khu phố cổ và phố cũ nhỏ hẹp, nên người dân trên địa bàn quận Hoàn Kiếm dễ dàng từ phường này sang phường khác mua bán, ăn uống.

Như đường Nguyễn Hữu Huân là nơi giáp ranh giữa phường Hàng Bạc và phường Lý Thái Tổ. Chỉ cách nhau khoảng 7 mét, bên này đường thì nhộn nhịp người ra vào, còn bên kia thì im ắng, chỉ được bán mang về.

Đỗ Trung Thành (23 tuổi), nhân viên một quán cà phê trên tuyến đường này cho biết, anh không còn bất ngờ khi nhận được thông báo chuyển sang bán mang đi.

Đã làm việc ở đây được một năm, và cũng trong khoảng thời gian đó, Thành phải tạm nghỉ liên tục do dịch bệnh và thực hiện giãn cách xã hội. Cách đây không lâu, dịch vụ kinh doanh ăn uống được mở cửa buôn bán trở lại, doanh thu đang từng bước phục hồi, tuy nhiên, nơi anh làm việc một lần nữa rơi vào cảnh khó khăn.

Thành xếp gọn lại bàn ghế sau khi nhận được thông báo chỉ được bán mang về. Ảnh: PV. 

“Sau khi nhận được thông báo chỉ được bán hàng tại chỗ, tôi phải xếp dọn bàn ghế, chỉ bán mang đi. Đa phần khách hàng muốn ngồi tại chỗ, trò chuyện với bạn bè và ngắm phố xá ngày cuối năm, được mấy ai mua cà phê mang đi đâu”, Thành nói. Nam nhân viên cho biết, dù khách đến mua tính trên đầu ngón tay nhưng quán vẫn phải duy trì, "được đồng nào hay đồng đó".

Thương hiệu Lâm Cafe có 2 cửa hàng cùng nằm trên tuyến đường Nguyễn Hữu Huân, chỉ cách nhau 100 mét nhưng lại thuộc 2 phường khác nhau cũng rơi vào cảnh trái ngược.

Cùng một con đường, quán bán tại chỗ... 
Quán bán mang về.

“Quán bên kia được mở cửa bán tại chỗ nên hầu hết khách hàng đều qua đó ngồi, còn quán bên này cũng phải mở bán mang về để duy trì và giữ khách”, N.T.H., nhân viên quán cà phê này cho biết.

Nam nhân viên chia sẻ, đến thời điểm này, anh và các nhân viên khác dù đã quen với thông báo đóng - mở quán liên tục nhưng cũng thấy rất mệt mỏi.

“Quán đóng cửa thì mình không có việc gì để làm, trong thời gian đó, chủ cũng chỉ hỗ trợ nuôi ăn ở, chứ không có việc làm thì lấy đâu ra lương. Nên chỉ mong hàng quán sớm được mở cửa trở lại để tôi có nguồn thu, ít nữa là đến Tết rồi”, H. nói.

Cần mạnh dạn thay đổi

Hiện, Hà Nội xếp loại cấp độ dịch bệnh các đơn vị hành chính trên địa bàn theo tuần. Trong một tháng qua, do số ca nhiễm ở Hà Nội tăng cao, hàng loạt quận huyện đã ít nhất hai đến ba lần thay đổi cấp độ dịch bệnh từ "vùng xanh" lên "vùng vàng", "vùng cam", hoặc ngược lại. Theo đó, hoạt động kinh doanh, dịch vụ không thiết yếu ở các quận huyện này cũng nhiều lần phải "đóng, mở" tương ứng với diễn biến dịch.

Bà Hải (67 tuổi), chủ một quán ăn trên phố Bát Đàn, phường Hàng Bồ (quận Hoàn Kiếm) cho biết, cứ đến cuối tuần là lại "thấp thỏm" theo dõi xếp loại cấp độ dịch.

Theo bà Hải, khi chưa có quy định phân vùng vàng, cam, đỏ, hàng quán đồng loạt chỉ được bán mang về, dù có khó khăn nhưng là khó khăn chung nên lượng khách cũng phân bố đều ở các hàng quán. Nhưng hiện giờ, khách của những quán ăn uống bị cấm phục vụ tại chỗ lại đổ xô đến những quán không bị cấm.

Quán bà Hải chỉ được bán mang về. Ảnh: PV.

"Nếu thành phố đã cấm thì cấm chung, tránh việc khách vùng này dồn về vùng kia, có khi khó kiểm soát hơn", bà Hải nói thêm. 

Nhiều chủ cửa hàng ở Hà Nội cũng cho rằng, chỉ cần ra quy định buộc hàng quán tuân thủ 5K, lập vách ngăn và nhận 50% khách, đồng thời xử lý nghiêm những người vi phạm phòng chống dịch, thay vì cấm bán tại chỗ thì sẽ hiệu quả hơn nhiều phương án như hiện nay.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, Hà Nội và các địa phương khác nên mạnh dạn học tập TPHCM trong việc mở lại một số hoạt động ăn uống tại chỗ, thậm chí một số loại hình dịch vụ khác…

Theo vị chuyên gia này, dù mở cửa trở lại, nhưng số liệu công bố cho thấy, số ca mắc mới ở TPHCM đang giảm đi, rất có ý nghĩa trong phát triển kinh tế, xã hội, tạo tâm lý ổn định hơn cho người dân không quá sợ hãi với COVID-19.

Theo ông Nga, khi mở lại một số hoạt động, cần chú ý đến các trường hợp cao tuổi, người mắc bệnh nền, trẻ em; tập trung điều trị cho các trường hợp nhiễm nặng. Còn người trẻ, thậm chí mắc COVID-19 cũng chủ yếu là triệu chứng nhẹ, không quá nguy hiểm vì đã được bảo vệ bởi vaccine.

Hầu hết, các cửa hàng ở quận Hoàn Kiếm bán mang về đều được trang bị vách ngăn.
Nhiều cửa hàng thuộc quận Hoàn Kiếm dù được bán mang về nhưng vẫn đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn