MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Vũ Đại Thắng thăm, kiểm tra tình hình sản xuất tại Xí nghiệp may Hà Quảng. Ảnh: LPL

Quảng Bình: Gần 8.000 người mất việc làm hoặc tạm nghỉ việc trong 3 tháng

LÊ PHI LONG LDO | 22/09/2021 18:19

Theo thống kê, quý III năm 2021 do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19 nên số lượng người lao động mất việc làm hoặc tạm ngừng làm việc tại Quảng Bình chiếm số lượng rất lớn.

Ngày 22.9 Thường trực Tỉnh ủy Quảng Bình đã tổ chức hội nghị trực tuyến với các doanh nghiệp và một số sở, ngành, địa phương để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Sở KHĐT tỉnh Quảng Bình cho biết, mặc dù tỉnh đã tập trung triển khai kịp thời, đồng bộ kế hoạch hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng dịch COVID-19, nhưng ước tính trong quý III năm 2021 có khoảng 7.750 người lao động phải tạm ngừng làm việc hoặc mất việc làm; nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tạm dừng hoạt động hoặc cắt giảm 50% số lượng lao động, dẫn đến người lao động buộc phải tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động.

Thống kê cho thấy, nhiều doanh nghiệp ngoài tỉnh phải chấm dứt hoặc tạm ngừng hoạt động đối với các đơn vị trực thuộc tại tỉnh Quảng Bình để thu hẹp sản xuất, kinh doanh do ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Thắng cho rằng, diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 thời gian qua đã tác động dài hạn đến tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Vì vậy, rất cần sự nỗ lực cao nhất của cả hệ thống chính trị để không đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng, bảo đảm an sinh xã hội. Đồng thời mong muốn các doanh nghiệp thấu hiểu, chia sẻ, đồng thuận và đồng hành với tỉnh trong mọi nỗ lực phòng, chống dịch bệnh COVID-19. 

Lãnh đạo tỉnh Quảng Bình cho biết, sau ngày 22.9 các địa phương trong tỉnh sẽ cơ bản chuyển trạng thái trong phòng, chống dịch, doanh nghiệp có thể hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như sinh hoạt của người dân có thể trở lại với trạng tháí "bình thường mới". 

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Vũ Đại Thắng đề nghị các sở ngành, địa phương cần tiếp thu tối đa kiến nghị của doanh nghiệp để sớm đề xuất lãnh đạo tỉnh tháo gỡ những “điểm nghẽn” trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và mong muốn các doanh nghiệp tiếp tục đồng hành với tỉnh để tìm ra những giải pháp nhằm sớm tháo gỡ khó khăn; xây dựng kế hoạch và triển khai kịp thời việc tiêm vắc xin để người lao động yên tâm trở lại làm việc; xây dựng các phương án phục hồi sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các ngành mũi nhọn mà Quảng Bình có thế mạnh như du lịch, dịch vụ. 

Đặc biệt, tỉnh Quảng Bình đã đề nghị các ngành Tài chính, Thuế, Ngân hàng, các tổ chức tín dụng ưu tiên đẩy nhanh tiến độ triển khai các chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trên địa bàn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn