Từ hôm mở cửa triển lãm, số lượng khách tới thăm quan rất đông. Không chỉ có người Việt Nam mà còn rất nhiều du khách nước ngoài ghé qua triển lãm. Ai cũng xúc động và cảm phục trước những tác phẩm được trưng bày.
Thầy Lê Hà, giáo viên dạy bộ môn Vật Lý (đã nghỉ hưu) trường PTTH Nguyễn Trãi đã chia sẻ trong lưu bút cảm tưởng: “Tôi rất cảm động về thành quả lao động cật lực của các học sinh dưới sự dìu dắt không mệt mỏi của các thầy cô giáo về văn học nghệ thuật. Tật nguyền của các học sinh đã không ngăn được tài năng sáng tạo của mình…”.
Dù mới chỉ là những nét vẽ đơn sơ, những tác phẩm gốm vẫn chưa mang tính nghệ thuật cao song nó được làm bằng chính tình yêu và niềm đam mê với nghệ thuật của các em khiếm thị. Các em cũng đã cho người xem thấy cái cảm nhận của chính các em về cuộc sống thông qua đôi bàn tay.
Ai cũng quan niệm, phải có thị giác mới đến được với nghệ thuật. Thế nhưng, những ai tới tham dự triển lãm đều phải thay đổi cách nhìn nhận của mình. Cảm nhận qua đôi bàn tay, qua lời kể, miêu tả của mọi người…, bằng tài năng của mình, các em đã khẳng định, nghệ thuật vượt qua được thị giác. Không có đôi mắt vẫn có thể trở thành nghệ sỹ.
Có thể thấy, những tác phẩm mà các em mang tới triển lãm đều là những tác phẩm đặc biệt, không kém phần đặc sắc. Những tác phẩm này còn là những cảm xúc, những câu chuyện của các em được gửi gắm thông qua tác phẩm.
Với Mai, tác phẩm mà em tâm đắc nhất chính là “Lâu đài hình trái tim”. Theo em, trái tim nó cũng giống như ngôi nhà với nhiều ngăn nhỏ,mỗi ngăn lại chứa đựng những ước mơ, khát khao và tâm sự riêng. Ngoài vẽ và làm gốm rất đẹp ra, Mai còn học rất giỏi ở lớp. Với Mai, mơ ước lớn nhất là thi đỗ vào đại học.
Với Thành - bạn học sinh đặc biệt có đôi bàn tay khéo léo làm gốm giỏi mà đàn hát cũng vô cùng hay. Những tác phẩm gốm em mang đến triển lãm được xuất phát từ chính những câu chuyện xảy ra trong cuộc sống của em. Bên cạnh đó còn là những mơ ước, khát khao của chính em. Thành cũng cho biết, tác phẩm mà em tâm đắc nhất chính là chiếc bình gốm có hình mẹ ôm con. Đó chính là hoàn cảnh gia đình của người bạn mà em mới quen.
Có thể thấy những tác phẩm được mang tới trưng bày tại triển lãm đã khẳng định: Nghệ thuật vượt qua được thị giác. Không có đôi mắt nhưng có niềm yêu thích, đam mê với cái đẹp, chắc chắn sẽ tới được nghệ thuật. Thầy Huỳnh, giáo viên dạy nghệ thuật của các em nhận xét: “Những tác phẩm của các em đã bắt đầu đi vào kỹ thuật tinh xảo. Rất nhiều nghệ sỹ, nhà điêu khắc khi xem các tác phẩm đã có những cái nhìn rất tốt. Nghệ thuật của các em đã ngang, gần gũi với đời sống xã hội, vượt ra ngoài những cái gọi là sự thương hại. Các em đã khẳng định được, nghệ thuật vượt qua được thị giác”.
Một số bức tranh và sản phẩm gốm của các em học sinh khiếm thị tại triển lãm:
Hồng Mây