MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đời sống của người dân nơi đây còn gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh: Lê Phi Long

Quảng Bình: Không có việc người Mày vào rừng sâu trốn dịch COVID-19

LÊ PHI LONG LDO | 09/04/2020 16:55
Trước một số thông tin được đăng tải cho rằng một nhóm người Mày phải bỏ vào rừng sâu để trốn dịch COVID-19, chiều 9.4 UBND huyện Minh Hóa (tỉnh Quảng Bình) cho biết đã có báo cáo về sự việc. 

Theo phản ánh, nhóm người trên khoảng 20 người Mày (sống ở bản Lòm, xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa), bỏ vào rừng sâu trốn dịch từ ngày 5.4.2020.

Người Mày thuộc dân tộc thiểu số có rất ít người, chỉ sống ở vùng núi cao ở hai xã của huyện Minh Hóa, Quảng Bình.

Sau khi có thông tin, UBND huyện Minh Hóa đã lập tổ công tác gồm đại diện lãnh đạo UBND huyện, đại diện lãnh đạo các phòng LĐTBXH, phòng dân tộc và lãnh đạo xã Trọng Hóa, Đồn Biên phòng Ra Mai trực tiếp xuống địa bàn kiểm tra, xác minh.

Theo báo cáo do Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa Đinh Văn Lĩnh ký ngày 9.4 thì tại khu vực xóm K Chăm (thuộc bản Lòm) có 22 hộ, 86 khẩu. 

Hiện nay đang vào mùa rẫy nên các hộ dân hàng ngày vào rừng phát rẫy trỉa ngô, trồng sắn. 

Đoàn đã đi trực tiếp vào khu vực rẫy (vùng A Lích) của bà con xóm K Chăm đang canh tác. Tại đây, đoàn gặp 3 hộ dân là hộ anh Hồ Xi (có 5 khẩu), hộ anh Hồ Lan (3 khẩu), hộ anh Hồ Hội (4 khẩu). Các hộ này đều cho biết đã đi vào rẫy 3 ngày nay, việc ở lại qua đêm tại lán trại là để vừa canh tác và trông giữ thú rừng phá nương rẫy.

Các hộ đều dự trữ đảm bảo lương thực để canh tác trong khoảng 3 - 4 ngày; hiện do đang trong thời gian nghỉ học nên các hộ này đều cho con đi cùng. 

Cũng tại khu vực này, còn có 9 lán trại được dựng nhưng không có người ở. Qua tìm hiểu đây là những lán trại của các hộ dân ban ngày vào làm, tối về lại bản K Chăm. 

Vị trí canh tác của bà con cách bản chừng 30 phút đến 40 phút đi bộ.

Trao đổi trực tiếp với ông Hồ Sơn, một trong những hộ đã vào rừng canh tác 3 ngày trước (ở vùng Pore) trở về bản ngày 7.4.2020, ông cũng khẳng định là vào rừng phát rẫy canh tác theo phong tục của bà con.

Tại bản Lòm, đoàn đã gặp và trao đổi trực tiếp với ông Hồ Mút và ông Hồ Biên - Trưởng bản, cả 2 ông đều khẳng định bà con vào rừng phát rẫy canh tác theo mùa vụ hàng năm; không có việc bà con vào rừng để trốn dịch.

Ông Hồ Phin - Chủ tịch UBND xã Trọng Hóa cũng cho biết, thông tin người dân vào rừng sâu để trốn dịch là không đúng bản chất sự việc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn