MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vụ sạt lở đất vừa xảy ra tại xã Đồng Hoá (huyện Tuyên Hoá). Ảnh: Tâm Đức

Quảng Bình và nỗi lo sạt lở do mưa lũ

LÊ PHI LONG LDO | 15/10/2023 16:46

QUẢNG BÌNH - Mưa lớn trong những ngày qua đã khiến nhiều địa phương bị chia cắt do nước lũ dâng cao; đất đá trên các đồi núi ở miền núi tỉnh Quảng Bình bị ngậm nước bão hòa, liên kết yếu nên đã xảy ra sạt lở.

Đời sống người dân bị ảnh hưởng do sạt lở

Ngày 15.10, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình cho biết, những ngày qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to đã khiến tình hình sạt lở và nguy cơ sạt lở diễn biến phức tạp.

Theo báo cáo mới nhất, kè chống xói lở sát nhà thờ Xuân Hải xã Quảng Phú (huyện Quảng Trạch) bị sạt lở khoảng 30m, hiện tại xã đã huy động bao cát chắn tạm.

Tại huyện Tuyên Hóa đã xảy ra sạt lở đất đồi, ảnh hưởng hộ gia đình anh Dương Văn Lý (ở xóm 1, thôn Đồng Phú, xã Đồng Hóa). Hiện UBND huyện Tuyên Hoá đã chỉ đạo, tổ chức di dời hộ gia đình anh Lý đến nơi an toàn.

Ngoài ra, đã xảy ra sạt lở sát nhà 1 hộ dân tại thôn Minh Cầm Trang (xã Phong Hoá, huyện Tuyên Hoá) với chiều dài khoảng 20-30m.

Trước tình hình trên, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp đã kiểm tra các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, triển khai phương án sơ tán người dân, ứng phó với mưa lớn.

Tình hình mưa lũ tại Quảng Bình đang diễn biến phức tạp, nhiều địa bàn huyện Minh Hoá đã bị chia cắt do nước lũ dâng cao. Ảnh: Đức Trí

Tại các xã biên giới của huyện Minh Hóa như xã Dân Hóa, xã Trọng Hóa, chính quyền địa phương phối hợp với lực lượng Bộ đội biên phòng đã tiến hành rà soát, chuẩn bị các phương án di dời người dân ở khu vực có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi lũ quét và sạt lở đất đến các nơi an toàn.

Nỗi lo chực chờ

Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện toàn tỉnh Quảng Bình có 85 điểm nguy cơ sạt lở cao, trong đó có 4 vị trí đặc biệt nguy hiểm từng xảy ra sạt lở trong những đợt mưa trước là đồi Phòng không tại xã Đức Hóa (huyện Tuyên Hóa); triền núi Cây Sường (tổ dân phố 8 thị trấn Quy Đạt, huyện Minh Hoá); đồi Hạ Vàng (thị trấn Phong Nha, huyện Bố Trạch); khu vực đồi tại bản Bãi Dinh (xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa).

Theo ghi nhận của báo Lao Động, cuối năm 2018, sau những trận mưa lớn, người dân ở khu vực tổ dân phố 8, thị trấn Quy Đạt ở gần triền núi Cây Sường phát hiện núi bị sụt lún và có nhiều vết nứt lớn kéo dài, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở cao, đe dọa sự an toàn của người dân sống ở khu vực lân cận, các vết nứt và sụt lún biến động theo thời gian, đặc biệt là sau các trận mưa lớn. Hiện tổng chiều dài vết nứt ở núi Cây Sường khoảng trên 300m, nhiều điểm núi sụt lún chênh với vị trí sườn cũ từ 1-2m.

Vết nứt kéo dài ở khu vực núi Cây Sường là nỗi lo chờ chực đối với người dân nơi đây. Ảnh: Lê Phi Long

Cũng theo ghi nhận của báo Lao Động, hơn 100 nhân khẩu ở các bản Bãi Dinh, K-Vi, Ba Loóc, K-Định (xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa) vẫn luôn sống trong phấp phỏng, lo sợ nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét đe dọa mỗi khi mưa bão đến bởi ngọn núi bao quanh thuộc diện cảnh báo nguy cơ sạt lở cao.

Lực lượng Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Bình cử người chốt chặn tại những khu vực nước lũ dâng cao, bảo đảm an toàn cho người dân. Ảnh: Đức Trí

Theo ông Đoàn Ngọc Lâm - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Bình, trước tình hình diễn biến phức tạp của mưa lũ, UBND tỉnh đã quán triệt các địa phương, các lực lượng đã sẵn sàng, thực hiện phương án bám sát cơ sở, di dời người dân vùng nguy hiểm và chuẩn bị phương tiện kịp thời cứu hộ, cứu nạn trên phương châm 4 tại chỗ; sẵn sàng phương án phòng chống bão lụt, sạt lở đất, di dời dân đến nơi an toàn.

Trước đó, vào tháng 10.2022 đã xảy ra sự việc sạt lở, sụt lún lớn đe dọa an toàn của hàng chục gia đình ở bản Cha Lo và Đồn Biên phòng Cửa Khẩu Quốc tế Cha Lo (huyện Minh Hoá) khiến Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo phải di chuyển, xây dựng mới ở vị trí an toàn, hàng chục hộ dân phải chuyển đến khu tái định cư mới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn