MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Học sinh, sinh viên miền núi Quảng Nam được tư vấn, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm sau khi ra trường. Ảnh: Hoàng Bin

Quảng Nam đào tạo nghề, hướng nghiệp cho lao động miền núi

Hoàng Bin LDO | 02/10/2023 11:09

Người dân miền núi Quảng Nam, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số đã có thêm nhiều lựa chọn học nghề, khởi nghiệp hoặc tìm việc làm ngay tại quê nhà một phần nhờ các chính sách, chương trình hỗ trợ, đào tạo nghề, giúp họ có việc làm, từng bước thoát nghèo.

Lợi kép nhờ được đào tạo nghề tại chỗ

Vừa tốt nghiệp THPT xong, Hồ Thị Lệ (xã Phước Kim, huyện Phước Sơn) đã được tuyển sinh học nghề may, ở Trung tâm đào tạo nghề gần nhà.

“Học gần không tốn học phí hay bất cứ khoản tiền nào khác, học xong bậc trung cấp 2 năm có thể đi làm giúp ba mẹ lo cho 2 em nhỏ” - Lệ nói.

Hồ Thị Lệ là 1 trong 360 học sinh, sinh viên là người đồng bào dân tộc thiểu số đang theo học tại Trường Cao đẳng Quảng Nam. Trong đó, có 230 học sinh đào tạo tại chỗ ở huyện miền núi Nam Giang.

Hiện nay, theo chính sách chung của tỉnh Quảng Nam, học sinh, sinh viên người đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh được miễn học phí.

Ngoài ra, còn được hưởng chế độ phụ cấp 800 nghìn đồng/tháng theo Nghị quyết 27 của HĐND tỉnh; người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cận nghèo được hưởng 1,8 triệu đồng/tháng theo Quyết định 53 của Thủ tướng Chính phủ.

Bà Vũ Thị Phương Anh - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Quảng Nam - cho biết: “Ngoài chế độ hỗ trợ theo quy định, học viên còn được đảm bảo ăn uống tại chỗ ngày 3 bữa”.

Ông Đinh Ngọc Thanh, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Đông Giang cho biết, theo kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, năm 2023, Đông Giang sẽ mở 4 lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp cho hơn 130 lao động nữ thuộc hộ nghèo, cận nghèo tham gia.

“Người dân sẽ được đào tạo nghề miễn phí về kỹ thuật chế biến món ăn, pha chế đồ uống… Học viên được hỗ trợ tiền ăn; còn được hỗ trợ tiền đi lại tùy vào cự ly chi chuyển, địa bàn cư trú” - ông Đinh Ngọc Thanh cho biết thêm.

Tự tin khi tìm việc làm

Tương tự, trong năm 2022, đã có gần 400 chị em phụ nữ ở huyện miền núi Nam Trà My được học nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp. Đa số chị em sau khi học nghề được liên kết với các cơ sở dịch vụ để nhận vào làm việc hoặc bao tiêu sản phẩm tại nhà - bà Vũ Thị Như Thuyên, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Nam Trà My cho biết.

Chị Hồ Thị Tuyết (xã Trà Mai, huyện Nam Trà My) là 1 trong 23 lao động miền núi tự tin xuất ngoại sang quận Ham Yang (Hàn Quốc) theo diện hợp đồng thời vụ, sau khi học nghề.

“Đi 5 tháng trở về, tôi tích góp được hơn 150 triệu đồng. Đợt này trở về, nhóm chúng tôi được chủ hứa hẹn bảo lãnh sang tiếp tục làm việc vào tháng 11 tới” - chị Hồ Thị Tuyết phấn khởi nói.

Đối với những lao động nữ vì điều kiện gia đình con cái không thể đi xa, địa phương bố trí học các nghề truyền thống, học xong có thể làm nghề tại chỗ như nghề làm chổi đót, pha chế thức uống, thú y, đan lát...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn