MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Quảng Nam xác định phát triển công nghiệp và dịch vụ song song. Ảnh: Thanh Chung

Quảng Nam đặt mục tiêu giảm nghèo, phát triển kinh tế bền vững

Thuỳ Trang - Thanh Chung LDO | 30/01/2021 08:58
Chỉ trong vài tháng cuối năm 2020, tỉnh Quảng Nam đã đối mặt với thiên tai liên tiếp, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Những tổn thất đó đã đánh mạnh vào nhận thức của chính quyền và người dân về việc phải phát triển kinh tế bền vững, bảo vệ và phục hồi rừng. Có như vậy, công tác giảm nghèo của tỉnh mới đạt hiệu quả, người dân an cư lạc nghiệp.

Bảo vệ rừng để bảo vệ người dân, giảm nghèo bền vững

Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam cuối năm 2020 đã thống nhất phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 với 25 nhóm chỉ tiêu kinh tế - xã hội. Trong đó, Quảng Nam phấn đấu đến cuối năm 2025, tỉ lệ hộ nghèo của toàn tỉnh giảm còn 2,87% (trong đó, tỉ lệ hộ nghèo thuộc đối tượng bảo trợ xã hội khoảng 1,83%) và đặt mục tiêu đến năm 2025, tỉ lệ che phủ rừng đạt 61%.

Đây là 2 mục tiêu xã hội phải cùng thực hiện song song. Hiện tỉ lệ hộ nghèo của tỉnh Quảng Nam cao gấp 1,6 lần so với mức bình quân chung của cả nước, trong đó, tỉ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tới hơn 40%. Mặc dù đã bỏ ra hàng nghìn tỉ đồng để thực hiện giảm nghèo nhưng thiên tai cuối năm 2020 đã “quét” đi nhiều nỗ lực của các huyện miền núi trong phát triển sinh kế cho người dân. Vì vậy, dù nỗ lực đến đâu nếu không bảo vệ được rừng, người dân vẫn bị thiệt hại về tài sản lẫn tính mạng.

Do đó, chỉ đạo của ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - về việc thu hồi quyết định cho Công ty Cổ phần Tư vấn và Phát triển điện Cửu Long thuê đất để xây dựng Thuỷ điện Đắk Di 2 tại xã Trà Don và Trà Nam, huyện Nam Trà My, Quảng Nam nhận được sự ủng hộ, đồng tình của cộng đồng xã hội. Mặc dù nhiều đơn vị cho biết, công trình này không xâm phạm vào đất rừng tự nhiên, nhưng người đứng đầu tỉnh Quảng Nam vẫn yêu cầu rà soát, bởi những thiệt hại, mất mát vẫn do rừng bị thu hẹp vẫn còn đang là bài học trước mắt.

Được biết, giai đoạn 2016-2020, tổng kinh phí huy động để thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, các chính sách giảm nghèo thường xuyên của tỉnh Quảng Nam là hơn 12,3 nghìn tỉ đồng. Nhìn chung, các huyện nghèo và xã nghèo đều đạt và vượt mục tiêu giảm nghèo chung của tỉnh; đặc biệt đã hạn chế tình trạng tái nghèo xảy ra trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, ông Lê Trí Thanh nhận định, trước tình hình sạt lở núi, biến đổi khí hậu diễn biến khó lường như hiện nay, từ năm sau trở đi, tỉnh Quảng Nam sẽ bố trí sắp xếp dân cư miền núi theo một mô hình mới, phù hợp với tập quán, văn hoá của đồng bào, giúp họ thoát nghèo ổn định cuộc sống.

Dịch vụ, công nghiệp phát triển song song để không bị “chới với”

Năm 2020, Quảng Nam là một trong những tỉnh có tăng trưởng âm, một phần là do ngành Du lịch dịch vụ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Chính vì vậy, tỉnh Quảng Nam đặt mục tiêu sẽ chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển song song ngành công nghiệp và dịch vụ, phấn đấu đến năm 2030 là tỉnh có cơ cấu kinh tế thương mại dịch vụ - công nghiệp xây dựng - nông nghiệp cân bằng nhau.

Bên cạnh đó, Quảng Nam sẽ chuyển các ngành kinh tế truyền thống sang kinh tế hiện đại, phát triển bền vững theo chiều sâu, chủ yếu dựa vào lợi thế đổi mới công nghệ, thân thiện môi trường, ít hao tốn tài nguyên, năng suất và giá trị gia tăng cao. Đặc biệt, tỉnh sẽ ưu tiên đầu tư cho vùng động lực phía đông, nhưng phải đảm bảo sự kết nối, tương hỗ phát triển với vùng tây.

Với việc xác định ngành Du lịch, dịch vụ vẫn là kinh tế mũi nhọn, Quảng Nam sẽ đẩy mạnh xã hội hóa, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, nhất là chuỗi liên kết du lịch đáp ứng bộ tiêu chuẩn du lịch quốc tế, đi đôi với bảo tồn, phát triển di tích, di sản, nhất là di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn, khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm - Hội An, cảnh quan thiên nhiên, quảng bá hình ảnh, văn hóa con người Quảng Nam.

Đối với phát triển công nghiệp bền vững theo chiều sâu, tỉnh sẽ xây dựng các khu, cụm liên kết ngành tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; thu hút và phát triển nhóm ngành công nghiệp chủ lực; duy trì quy mô hiện tại, tăng giá trị sản xuất trực tiếp, giảm gia công đối với ngành Dệt may và công nghiệp hỗ trợ ngành May, da giày. Đơn cử như việc phát triển Khu kinh tế mở Chu Lai giai đoạn mới đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Quảng Nam đặt mục tiêu Chu Lai sẽ trở thành khu kinh tế động lực của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước. Đây là khu công nghiệp chuyên nông, lâm nghiệp nhằm thu hút các dự án công nghiệp chế biến, bảo quản sản phẩm phục vụ xuất khẩu quy mô lớn.

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ phát triển dịch vụ tài chính, các nhóm dự án dịch vụ vận tải, hậu cần cảng và logistics gắn với cảng biển và sân bay Chu Lai; phấn đấu xây dựng Khu kinh tế mở Chu Lai trở thành trung tâm tài chính và dịch vụ logistics của vùng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn