MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giao cây giống ươi cho người dân vừa tạo sinh kế vừa bảo vệ rừng. Ảnh: Thanh Chung

Quảng Nam: Giao cho dân trồng cây ươi, phát triển du lịch vừa bảo vệ rừng

Thanh Chung LDO | 16/12/2021 16:39

Quảng Nam - Vì có giá trị kinh tế cao, suốt một thời gian dài nhiều người đã chặt cây ươi lấy quả bán, làm ảnh hưởng đến rừng. Do đó, huyện Phước Sơn (Quảng Nam) đã nhân giống, giao cho người dân trồng để vừa phát triển du lịch, vừa giảm tác động vào rừng.

Lập chốt vào rừng để bảo vệ ươi

Hiện nay, cây ươi phân bố nhiều ở một số huyện miền núi như Nam Giang, Phước Sơn, Nam Trà My, Bắc Trà My… Vì giá trị kinh tế của trái ươi rất cao nên đến mùa rất nhiều người vào rừng để khai thác.

Đến kỳ trái chín hạt ươi không rụng trực tiếp xuống gốc, mà thường nhờ gió mang đi phát tán. Đặc biệt, cây ươi có chu kỳ ra trái 4 năm/lần. Những năm gần đây hạt ươi rất có giá kinh tế, có thời điểm giá từ 300.000 đồng - 500.000/kg.

Trái ưới khô có giá giao động từ 300.000 - 500.000 đồng/kg, tạo kinh tế ổn định cho người dân.

Nếu thương lái thu mua để sau mùa ươi bán lại có thể lên đến tiền triệu 1kg. Trái ươi đã cho người dân địa phương, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Nhiều người chọn phương pháp trèo lên cây để rung cho ươi chín rụng xuống đất để lượm, tuy nhiên một số người lại thẳng tay đón hạ cây ươi hàng chục đến trăm tuổi để thu hoạch.

Lực lượng bảo vệ chốt chặn kiểm soát người dân vào rừng khai thác ươi. Người dân muốn được khai thác ươi phải xin giấy đi nhặt ươi bay và cam kết không chặt hạ cây, đóng đinh trèo lên cây, hái và thu mua quả ươi non.

Để bảo tồn cây ươi, các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam đã tăng cường lực lượng chức năng tuần tra, chốt chặn tại các cửa rừng, lập danh sách người thu lượm theo từng địa phương để theo dõi. Tại huyện Nam Trà My đã thành lập gần 20 chốt để bảo vệ rừng ươi, UBND huyện Phước Sơn đã thành lập 3 tổ công tác, có sự tham gia của Ban quản lý rừng, Kiểm lâm, Công an huyện và chính quyền các xã nhằm tăng cường quản lý, giám sát việc khai thác cây ươi ở các địa bàn.

Tuy nhiên, do địa bàn rộng, địa hình rừng núi phức tạp nên việc quản lý các đối tượng từ nơi khác đến khai thác ươi chưa được triệt để. Nên vẫn còn tình trạng người dân chặt hạ cây ươi để lấy quả.

Nhân giống đưa người dân trồng kết hợp phát triển du lịch

Để bảo vệ hệ sinh thái rừng và giúp người dân có thêm thu nhập, giảm phụ thuộc vào rừng, nhiều địa phương ở Quảng Nam đang tính đến phương án nhân giống và chuyển giao cho người dân trồng, phát triển cây ươi.

Tạo sinh kế bền vừng từ cây ươi cho người dân vùng cao.

Ông Phạm Hữu Nghĩa - Phó giám đốc Ban quản lý Vườn quốc gia Sông Thanh cho biết, hiện nay công tác bảo vệ, nhân rộng và phát triển cây ươi bản địa đã được triển khai, bằng hình thức thu mua hạt ươi bay của người dân thu lượm đem về ươm giống và cấp lại cho người dân để trồng, phát triển và và bảo vệ rừng ươi.

“Hiện nay cây giống đã được 1 năm tuổi và phát triển thuận lợi. Việc nhân giống cơ bản không khó nhưng đòi hỏi phải có kỹ thuật chăm sóc. Chúng tôi sẽ xin ý kiến tỉnh để khoảng trong năm 2022 sẽ cấp những giống cây ươi này cho người dân chăm sóc”- ông Nghĩa nói.

Ông Hồ Văn Trung - Phó Chủ tịch UBND xã Phước Thành, huyện Phước Sơn cho biết, hiện, địa phương đang triển khai trồng thử loại cây này. 

“Vừa qua, xã đã đăng ký trồng 2.000 cây. Để tổ chức thực hiện, xã đã tổng hợp danh sách các hộ gia đình đăng ký trồng với mục đích khôi phục lại cây ươi để bảo tồn, có thể sau này sẽ quảng bá về du lịch. Bên cạnh đó, việc phát triển cây ươi cũng giúp giữ rừng, từ đó phát triển được kinh tế, từng bước cải thiện đời sống cho người dân địa phương” - ông Trung cho biết thêm.

Ông Đỗ Hoài Xoan - Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết, hiện nay đang giao cây về cho bà con trồng thử và nếu ổn huyện tiếp tục khuyến khích trồng. Đây là loại cây đem lại kinh tế cao và huyện sẽ đầu tư để phát triển du lịch tạo sinh kế ổn định cho người dân.

Cây ươi có nhiều tên gọi như lười ươi, cây thạch, cây ươi bay, bàng đại hải, An Nam tử. Theo Đông y, ươi đi vào kinh phế, tác dụng chính là thanh nhiệt, giải độc, thông tiện, thường dùng chữa ho khan, cổ họng sưng đau, nôn ra máu, đi cầu ra máu, chảy máu cam, viêm đường tiết niệu, nhức răng, đau mắt đỏ, mụn nhọt hoặc pha chế nước giải khát. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn