MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Quảng Nam lại gặp khó trong đấu thầu sữa học đường

Hoàng Bin LDO | 21/06/2024 20:36

Chương trình hỗ trợ sữa trong bữa ăn học đường cho trẻ em mẫu giáo, tiểu học ở tỉnh Quảng Nam lại tiếp tục gặp khó trong đấu thầu khiến hàng chục nghìn trẻ em chịu thiệt.

Gần 15 nghìn học sinh bị ảnh hưởng

Ngày 21.6, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tỉnh Quảng Nam cho biết, năm học 2023 - 2024, toàn tỉnh có 35.150 học sinh mẫu giáo, tiểu học được thụ hưởng chương trình hỗ trợ sữa học đường theo Nghị quyết số 17 của HĐND tỉnh, bắt đầu thực hiện từ tháng 1.2024.

Chương trình hỗ trợ sữa học đường là chính sách nhân văn được Quảng Nam thực hiện từ năm 2020. Ảnh Thành Nguyễn

Tính đến cuối tháng 5.2024, có 6 huyện đã tổ chức cho trẻ uống sữa, gồm: Tiên Phước, Đại Lộc, Hiệp Đức, Nam Giang, Bắc Trà My, với 20.357 học sinh được thụ hưởng.

4 huyện chậm trễ trong thực hiện chương trình này gồm: Tây Giang, Phước Sơn, Núi Thành, Đông Giang, khiến gần 15 nghìn trẻ em không được uống sữa từ chương trình.

Đáng nói, đây đã là năm học thứ 2, chương trình nhân văn này chậm trễ triển khai thực hiện ở Quảng Nam. Trước đó, trong năm học 2022 - 2023, khoảng 30 nghìn học sinh ở 6 huyện miền núi gồm: Bắc Trà My, Nam Trà My, Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn đã không được uống hộp sữa nào từ chương trình này, vì Sở GDĐT tỉnh không tìm ra "quy chuẩn về chất lượng sữa".

Sở GDĐT Quảng Nam đã phải giải trình, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan trước UBND tỉnh do chậm trễ thực hiện Nghị quyết 17, trong năm học 2022 - 2023. Ảnh Thành Nguyễn

Theo tìm hiểu của PV Lao Động, Nghị quyết số 17/2022 của HĐND tỉnh Quảng Nam bố trí kinh phí dự kiến khoảng 151 tỉ đồng từ ngân sách, để thực hiện chương trình hỗ trợ sữa học đường trong 4 năm, từ năm học 2022 – 2023 đến hết năm học 2025 - 2026, mỗi năm sẽ bố trí hơn 37 tỉ đồng.

Cần sớm gỡ vướng

Làm việc với các địa phương về kết quả triển khai Nghị quyết 17, ông Trần Xuân Vinh - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam đánh giá, Nghị quyết 17 là một chính sách hết sức nhân văn của tỉnh, góp phần cải thiện thể chất của trẻ em, học sinh các địa bàn khó khăn.

Vì vậy, các ngành, địa phương phải quyết liệt thực hiện để trẻ có sữa uống mỗi ngày đến lớp, không vì vướng mắc thủ tục mà ngân sách HĐND tỉnh bố trí không giải ngân được, để trẻ chịu thiệt thòi.

Quảng Nam cần sớm gỡ vướng hoạt động đấu thầu sữa để đảm bảo quyền lợi cho học sinh ở địa bàn khó khăn. Ảnh Thành Nguyễn

Theo ông Nguyễn Công Thành - Phó Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Quảng Nam, các địa phương chưa triển khai thực hiện mua sữa từ ngày 1.1.2024, do phải chờ các văn bản hướng dẫn về Luật Đấu thầu năm 2023.

Trong khi thực hiện mời thầu, có rất ít đơn vị tham gia, thậm chí có 1 nhà thầu, chính vì vậy rất khó khăn cho các Phòng GDĐT, các đơn vị trường học trong việc thực hiện chương trình nếu đơn vị trúng thầu không đáp ứng các tiêu chuẩn của chủ đầu tư.

Còn ông A Vô Tô Phương - Chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho biết, quá trình lập hồ sơ, đăng thầu, tổ chức lựa chọn nhà thầu mua sắm sữa mất nhiều thời gian, đến khi có kết quả thì kết thúc năm học 2023 - 2024, nên không tổ chức cho học sinh uống sữa được, phải hủy thầu.

“Để đảm bảo tiến độ cho học sinh được uống sữa trong năm 2025, Sở Tài chính cần sớm hướng dẫn các địa phương sử dụng nguồn kinh phí thực hiện chương trình hỗ trợ sữa trong bữa ăn học đường. Vì muốn có sữa cho học sinh uống từ ngày 1.1.2025 thì từ tháng 9.2024 các đơn vị phải thực hiện hồ sơ, thủ tục đấu thầu theo quy định” - ông Thành đề xuất.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn