MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dự kiến từ 1.3, cầu cảng Ao Tiên, huyện Vân Đồn trị giá 610 tỉ đồng đi vào hoạt động. Ảnh: Đoàn Hưng

Quảng Ninh: Cầu cảng 610 tỉ đồng đi vào hoạt động, doanh nghiệp vẫn e ngại

Đoàn Hưng LDO | 23/02/2023 11:31

Quảng Ninh – Dự kiến từ 1.3, cầu cảng Ao Tiên, huyện Vân Đồn trị giá 610 tỉ đồng đi vào hoạt động. Theo đó, toàn bộ phương tiện thuỷ vận chuyển khách từ Cảng Cái Rồng sẽ chuyển sang cảng cao cấp Ao Tiên để phục vụ vận chuyển khách đi tuyến đảo. Cảng Cái Rồng trở thành cảng tàu chuyên dụng, chủ yếu phục vụ cho các phương tiện đánh bắt hải sản. Thế nhưng trái với kì vọng, nhiều doanh nghiệp bày tỏ e ngại trước chủ trương này.

Hoạt động song song hai cảng để doanh nghiệp có sự lựa chọn

Trao đổi với Lao Động chiều ngày 22.2, là người kinh doanh vận tải thủy lâu năm tại địa phương, ông Bùi Đông – Giám đốc hãng tàu cao tốc  Hoàng Vy cho biết: “Hiện các hãng tàu đang phục vụ nhu cầu của bà con ra 5 xã đảo của huyện Vân Đồn cùng với đảo Cô Tô và Thanh Lân (huyện Cô Tô). Hiện các tàu cỡ nhỏ đa số muốn ở lại cảng Cái Rồng bởi vị trí gần trung tâm hơn, tiện lợi cho việc chở hàng hóa dân sinh và đi lại của bà con”.

Theo kế hoạch, toàn bộ phương tiện thuỷ vận chuyển khách từ Cảng Cái Rồng sẽ chuyển sang cảng cao cấp Ao Tiên để phục vụ vận chuyển khách đi tuyến đảo. Ảnh: Đoàn Hưng

“Xây dựng Cảng Ao Tiên là sự phát triển cần thiết, nhưng theo tôi nên có lộ trình cụ thể cho từng loại tàu riêng biệt. Bước một nên đưa các loại tàu lớn sang cảng Ao Tiên để đón trả khách và để cả hai cảng hoạt động song song. Đến một thời điểm nào đó chuyển toàn bộ phương tiện vận tải khách lên trên đó về một mối cho dễ quản lý. Bên cạnh đó, nên đưa tuyến xe bus Ao Tiên hoạt động trong nội đô Vân Đồn để phục vụ cho người dân thuận tiện hơn" - anh Đông chia sẻ.

Ông Bùi Trung Kiên – Phó Giám đốc Công ty Nguyên Việt - cho rằng: “Doanh nghiệp hiện có 8 tàu với trên 700 ghế, chạy tuyến Thanh Lân – Cô Tô – Quan Lạn. Chuyển sang cảng Ao Tiên sẽ khiến cho doanh nghiệp vận tải thủy gặp nhiều cái khó. Nếu từ cảng Cái Rồng đi ra Quan Lạn mất 50 phút thì xuất phát từ cảng mới Ao Tiên lại mất 60 phút, cung đường ra đảo Ngọc Vừng, Thắng Lợi cũng đều mất thêm 10 phút. Nhân viên của công ty đi làm cũng xa hơn, từ cảng cũ là khoảng 2km, nay nếu sang cảng mới là 7km”.

Với mức phí 30.000 đồng một hành khách qua cảng Ao Tiên, e rằng sẽ giảm ưu thế cạnh tranh so với các cảng khác như Tuần Châu, Hòn Gai (TP.Hạ Long), Vũng Đục (TP.Cẩm Phả).

Còn theo phân tích của anh Nguyễn Hải Đồng – Công ty cổ phần du lịch quốc tế Hảo Thịnh: “Đưa vào hoạt động cảng cao cấp Ao Tiên, nhìn từ góc độ phát triển vĩ mô, đặc biệt cho ngành du lịch, doanh nghiệp rất đồng tình, ủng hộ, nhưng việc bắt buộc toàn bộ phương tiện vận tải khách thủy phải di dời sang cảng mới để hoạt động thì rất khó. Hãy để 2 cảng đều hoạt động, doanh nghiệp lựa chọn, phụ thuộc vào qui mô, sự phát triển của doanh nghiệp cũng như nhu cầu dân sinh. Có doanh nghiệp chỉ có một tàu 30 ghế thì chi phí có khi lại là một gánh nặng. Bên cạnh đó, người dân các tuyến đảo cũng gặp bất cập về đi lại, gửi hàng hóa”.

Từ ngày 26 đến 28.2, đơn vị sẽ tổ chức cho các doanh nghiệp vận tải bốc thăm và ký hợp đồng khai thác. Ảnh: Đoàn Hưng

Cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương

Trước ý kiến trên của doanh nghiệp, trả lời phỏng vấn Lao Động, ông Tạ Đức Quyết, Giám đốc Công ty TNHH MTV Du lịch Mai Quyền, chủ đầu tư dự án, cho biết: Đến thời điểm này, các hạng mục hạ tầng đã hoàn thành và chạy thử nghiệm, được các cơ quan chức năng kiểm tra, nghiệm thu cho phép đưa vào khai thác từ ngày 1.3. Trong giai đoạn đầu khai thác, nhằm tri ân nhân dân, Công ty sẽ miễn phí qua cảng trong vòng 1 năm đối với nhân dân 5 xã đảo thuộc huyện Vân Đồn và huyện Cô Tô. Đối với các loại phí, lệ phí neo đậu, bến đỗ của tàu hoạt động tại cảng… sẽ miễn phí hoàn toàn trong tháng đầu khai thác, giảm 50% trong 2 tháng tiếp theo. Từ tháng 6.2023, sẽ tiến hành thu bằng mức giá của cảng Cái Rồng hiện tại. Quan điểm của đơn vị đầu tư là sẽ tạo điều kiện hết sức cho doanh nghiệp và người dân. Từ ngày 26 đến 28.2, đơn vị sẽ tổ chức cho các doanh nghiệp vận tải bốc thăm và ký hợp đồng khai thác.

Có lẽ đến thời điểm này, cả doanh nghiệp và chủ đầu tư đều sẽ không thể cân đong đo đếm được những lợi hại một cách rõ ràng. Song để tìm được tiếng nói chung, chính quyền địa phương cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa, lắng nghe để tìm ra giải pháp. Từ đó phát huy hiệu quả của một công trình được đầu tư qui mô với giá trị lớn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn