MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bãi tắm đảo Soi Sim, vịnh Hạ Long. Ảnh: Nguyễn Hùng

Quảng Ninh đề xuất điều chỉnh vùng đệm Di sản vịnh Hạ Long

Nguyễn Hùng LDO | 15/02/2023 08:27

Quảng Ninh - Trong Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Quảng Ninh kiến nghị điều chỉnh lại vùng đệm di sản vịnh Hạ Long. Việc điều chỉnh giảm diện tích vùng đệm vịnh Hạ Long đã được đặt ra từ nhiều năm trước, khi mà vùng đệm rộng lớn, lại phải tuân thủ các quy định của Luật Di sản văn hóa và Công ước Di sản Thế giới, mà theo Quảng Ninh, đã hạn chế rất nhiều khả năng phát triển của thành phố biển, kéo dài thời gian thực hiện thủ tục pháp lý, đánh mất cơ hội đầu tư.

Xây nhà cũng phải hỏi Bộ trưởng

Vịnh Hạ Long đã được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới vào năm 1994. Ranh giới của vùng đệm (vùng 2, được khai thác để phát triển) và vùng lõi (vùng 1, hạn chế phát triển) được ấn định tại thời điểm đó và được sử dụng đến ngày nay.

Sau này, qua rà soát thực tế cho thấy, một phần diện tích rất lớn các khu dân cư hiện trạng, đồi núi, các công trình văn hoá, chính trị, an ninh – quốc phòng… và phần lớn diện tích giáp biển của TP.Hạ Long nằm trong ranh giới vùng đệm di sản vịnh Hạ Long. Trong số này có cả những khu vực dân cư đã hình thành trước cả năm 1994.

Khu vực Bảo tàng Quảng Ninh vẫn nằm trong vùng đệm của Di sản vịnh Hạ Long. Ảnh: Nguyễn Hùng

Theo đại diện Ban Quản lý vịnh Hạ Long, vùng đệm của Di sản thiên nhiên thế giới sang cả khu vực Cát Bà của Hải Phòng. Riêng tại Hạ Long, toàn bộ khu vực nằm phía ngoài QL 18 ra tới bờ biển, đảo Tuần Châu, Khu đô thị Hùng Thắng… đều nằm trong vùng đệm di sản.

Là di sản thiên nhiên thế giới, đồng thời là di tích quốc gia đặc biệt, nên theo quy định, việc xây dựng nhà dân ở khu vực vùng đệm (vùng 2) cũng phải xin ý kiến của Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch (VHTTDL); trong khi đó, với các dự án đầu tư dù nhỏ hay lớn thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ.

Mới đây, cử tri tỉnh Quảng Ninh đã kiến nghị Bộ VHTTDL đề xuất Chính phủ trình Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Di sản văn hoá, nhằm tháo gỡ những khó khăn trên, theo hướng Thủ tướng Chính phủ chỉ xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư thuộc phạm vi vùng bảo vệ I của di tích được cấp có thẩm quyền phê duyệt là di tích quốc gia, di tích đặc biệt.

Một khu vực nằm trong vùng lõi vịnh Hạ Long. Ảnh: Nguyễn Hùng

Trả lời cử tri Quảng Ninh, Bộ VHTTDL cho biết ủng hộ việc nghiên cứu, đề xuất phân cấp, phân quyền cho các địa phương gắn với phân rõ trách nhiệm của các địa phương trong công tác quản lý nhà nước nói chung, trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nói riêng nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn gây cản trở cho quá trình phát triển chung của đất nước, bảo đảm nguyên tắc tạo thuận lợi cho việc thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính, thực hiện nhiệm vụ nhanh hơn, hiệu quả hơn, đồng thời tuân thủ đúng các quy định của pháp luật.

Hiện, Bộ VHTTDL đang đề xuất Chính phủ xem xét trình Quốc hội cho phép sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa.

Tuy nhiên, vịnh Hạ Long là Di sản thiên nhiên thế giới nên ngoài việc thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam, còn phải thực hiện theo quy định của Công ước Di sản thế giới và Hướng dẫn thực hiện Công ước Di sản thế giới.

Quy trình điều chỉnh vùng đệm phức tạp

Năm 2015, UBND tỉnh Quảng Ninh từng có văn bản báo cáo Bộ VHTTDL, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia về việc xin điều chỉnh ranh giới vùng đệm di sản vịnh Hạ Long sau những khó khăn, vướng mắc về việc triển khai các công trình, dự án phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, Bộ VHTTDL và Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia chưa thống nhất với đề xuất của Quảng Ninh.

Khu vực Bến Đoan, phường Hồng Gai, TP.Hạ Long nằm trong vùng đệm của Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long. Ảnh: Nguyễn Hùng

Trong công văn trả lời Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh mới đây, Bộ VHTTDL cho biết, ngày 3.6.2022, Trung tâm Di sản Thế giới có công hàm đề nghị giải trình về các dự án lớn ven biển TP.Hạ Long với nội dung việc Trung tâm Di sản Thế giới được bên thứ ba thông tin về một số công trình và cơ sở giải trí lớn xây dựng ven biển Hạ Long làm ảnh hưởng đến giá trị cảnh quan của Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long. Việc xây dựng các công trình quy mô lớn trên dải đất ven biển và san đồi để xây dựng các tòa nhà cao tầng được cho là đã phá hủy một phần cảnh quan gốc, tác động tiêu cực đến tính toàn vẹn; đồng thời gia tăng áp lực đối với việc bảo tồn thiên nhiên của di sản. Do đó, việc quản lý, bảo vệ, cũng như xây dựng các công trình tại vùng đệm của Di sản vịnh Hạ Long cần nghiên cứu, tiến hành thận trọng đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật và Công ước di sản thế giới.

Vịnh Hạ Long đã hai lần được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới (năm 1994 và 2000), nằm trong Danh sách Di sản thế giới, nên việc xác định lại ranh giới vùng đệm của di sản này không còn là của riêng tỉnh Quảng Ninh mà còn phụ thuộc nhiều vào tổ chức UNESCO.

Theo một chuyên gia về di sản, theo khoản 107 của bản Hướng dẫn thực hiện Công ước di sản thế giới thì những điều chỉnh hoặc hình thành vùng đệm sau khi đã ghi danh di sản vào Danh sách Di sản thế giới cần có sự chấp thuận của Ủy ban Di sản Thế giới theo quy trình áp dụng cho thay đổi ranh giới nhỏ. Việc xác định và hình thành vùng đệm sau khi Di sản được công nhận có thể coi như là thay đổi nhỏ về ranh giới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn