MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những ngày này, người dân huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh đang tất bật chuẩn bị củ cải phên để phục vụ cho thị trường Tết. Ảnh: Đoàn Hưng

Quảng Ninh: Độc đáo món củ cải phên Đầm Hà

Đoàn Hưng LDO | 13/01/2023 09:17

Quảng Ninh - Những ngày này, người dân huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh tất bật chuẩn bị củ cải phên để phục vụ cho thị trường Tết. Vốn là món quà quê dân dã nhưng lại mang hương vị hấp dẫn và lạ miệng, những năm gần đây, củ cải phên Đầm Hà ngày càng được yêu thích. Không chỉ giúp người dân nơi đây làm giàu, nó còn trở thành niềm tự hào, một nét văn hóa ẩm thực đặc sắc của người dân trong vùng.

Củ cải trên đất pha cát

Củ cải là một cây trồng truyền thống của huyện Đầm Hà, giúp bà con phát triển kinh tế qua nhiều thế hệ. Thời gian sinh trưởng của cây củ cải chỉ hơn 2 tháng, chủ yếu trồng vào vụ đông hàng năm.

Huyện Đầm Hà hiện có trên 50 ha trồng củ cải. Đây đều là những nơi ven sông bãi bồi đất pha cát, điều lý giải cho kích cỡ cũng như vị ngọt của củ cải nơi đây.

Thời gian sinh trưởng của cây củ cải chỉ hơn 2 tháng, chủ yếu trồng vào vụ đông hàng năm. Ảnh: Đoàn Hưng

Xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà là thủ phủ của củ cải. Năm 2012, huyện đã lập quy hoạch vùng trồng củ cải tại xã có diện tích trên 20 ha với khoảng 120 hộ trồng.

Ông Hoàng Văn Hải, cán bộ phụ trách nông nghiệp UBND xã Quảng Tân cho biết: “Củ cải là cây trồng khó tính, phụ thuộc nhiều vào thời tiết, khi mới trồng, gặp mưa nhiều hay nắng gắt là gần như phải trồng lại. Còn khi gần thu hoạch, mưa nhiều ngày sẽ làm cho củ bị thối, phải bỏ đi hàng loạt, dẫn đến có năm mất mùa. Hiện theo giá thị trường củ cải tươi mua tại vườn là 8.000 đồng/kg, bán ở chợ là 10.000 đồng/kg. Sản lượng thu hoạch tại xã khoảng 40 tấn/ha”.

Điều chỉnh độ mặn của củ cải phên

Những ngày giáp tết Nguyên Đán, các thôn Trung Sơn, An Lợi, Thanh Sơn của xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà, củ cải được phơi khắp nơi trên hàng rào, sân, mái nhà, những phiến đá gần bờ sông. Đây là cách chế biến củ cải tươi thành củ cải phên, củ cải khô, củ cải sợi với mục đích chính để bảo quản củ cải được lâu hơn và nâng cao giá trị của củ cải.

Củ cải phên được ủ muối qua một đêm, sau đem ra phơi nắng rồi tiếp tục được ủ muối, công đoạn này lặp lại trong nhiều lần sẽ cho ra sản phẩm củ cải phên có màu vàng . Ảnh: Đoàn Hưng

Công phu, nhiều công đoạn hơn là cả củ cải phên. Củ cải sau khi rửa sạch, thái lát dày rồi ủ muối qua một đêm, được đem ra phơi nắng rồi tiếp tục được ủ muối, công đoạn này lặp lại trong nhiều lần sẽ cho ra sản phẩm củ cải phên có màu vàng, thơm giòn, vị hơi mặn và có thể dùng dần quanh năm. Củ cải Phên Đầm Hà được dùng để chế biến các món xào như xào với thịt bò, thịt gà hoặc thịt lợn đều rất ngon và tốt cho sức khỏe.

Ông Bùi Văn Thành, Hợp tác xã (HTX) Thành Mến cho biết: “Năm 2017, củ cải phên của xã ế nhiều, làm ra ngày càng khó tiêu thụ, khách hàng chê mặn, khó ăn. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, chúng tôi đã giảm lượng muối ủ, phát triển thêm các dòng sản phẩm khác như củ cải khô, củ cải sợi. Từ khi giảm độ mặn, củ cải làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. HTX hàng năm chế biến được hơn 4 tấn, giá trị của củ cải sau chế biến từ 120.000 đồng – 170.000 đồng1kg".

Sản phẩm củ cải Đầm Hà đã trở thành sản phẩm OCOP 3 sao theo chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm của tỉnh Quảng Ninh, ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng, thường xuyên được các thương lái đến tận nơi sản xuất để thu mua.

Giờ đây, củ cải phên không chỉ là món ăn hiện hữu trên mâm cơm của người dân địa phương mà đã bay xa, lan tỏa rộng rãi đến nhiều vùng miền khác trên cả nước, trở thành món quà biếu người thân được yêu thích. Còn với mỗi người dân nơi đây, củ cải là cây trồng chủ lực giúp người nông dân phát triển kinh tế và cũng thấm đượm mồ hôi, công sức trên mảnh ruộng quê hương. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn