MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Huyện Tiên Yên trao kinh phí cho hộ gia đình xóa nhà tạm. Ảnh: Xuân Thao

Quảng Ninh hiện thực hóa giấc mơ an cư cho hộ nghèo

Đoàn Hưng LDO | 06/10/2023 08:26

Với chủ đề công tác mà tỉnh Quảng Ninh đặt ra năm 2023 về “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng đời sống nhân dân”, thời gian qua, địa phương đã triển khai đồng bộ, mạnh mẽ nhiều giải pháp để xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn.

Ngày trọng đại của những hộ được hỗ trợ nhà ở

Đón phóng viên trong ngôi nhà mới khang trang, gia đình anh Lô Đức Hùng (40 tuổi, dân tộc Tày), thôn Chè Phạ, xã Đồng Tâm, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh không giấu được niềm phấn khởi của mình: “Trước kia, gia đình tôi có 5 người sinh sống trong ngôi nhà chưa đầy 20m2 và đã xuống cấp trầm trọng. Đợt này được hỗ trợ 80 triệu đồng xây dựng nhà và người thân trong gia đình xúm vào giúp công, giúp sức, ngày 2.9 vừa qua, gia đình tôi đã dọn về nhà mới, cứ như mơ vậy”.

Theo thống kê, năm 2023, huyện Bình Liêu có 17 nhà tạm, nhà dột nát theo tiêu chí phân loại của Bộ Xây dựng, trong đó có 15 hộ thuộc diện xây mới, 2 hộ sửa chữa.

Từ cuối tháng 6.2023, huyện Bình Liêu đã tổ chức phát động ủng hộ chương trình xóa nhà ở tạm, nhà ở dột nát trên địa bàn. Triển khai chương trình, huyện đã tiếp nhận kinh phí ủng hộ từ các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các xã, thị trấn, nhà hảo tâm trên 800 triệu đồng. Cách làm của Bình Liêu về xóa nhà tạm, nhà dột nát cũng là cách làm của các địa phương khác trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Nâng cao chất lượng đời sống nhân dân

Trước đó, ngày 28.11.2022, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh ban hành Nghị quyết 12-NQ/TU về phương hướng, nhiệm vụ năm 2023, xác định chủ đề công tác năm “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng đời sống nhân dân”.

Qua rà soát, tính đến hết tháng 3.2023, địa phương có gần 300 nhà thuộc diện nhà tạm, nhà dột nát. Chủ hộ thuộc các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn đa chiều giai đoạn 2021-2025 và các hộ khó khăn khác về nhà ở, chủ yếu là hộ người khuyết tật, neo đơn.

Quảng Ninh đã thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh do Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo nhằm đảm bảo công tác lãnh đạo, chỉ đạo, huy động nguồn lực tổ chức thành công chủ trương này.
Đảm bảo việc lựa chọn công khai, minh bạch, không bỏ sót đối tượng và trục lợi chính sách. Tiếp tục rà soát từ các địa phương, đến hết tháng 7.2023, toàn tỉnh có 441 hộ cần hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Phương án hỗ trợ của tỉnh Quảng Ninh ở mức 80 triệu đồng/hộ đối với trường hợp xây mới nhà ở (cao hơn mức hỗ trợ của Trung ương từ 36 - 40 triệu đồng); hỗ trợ 40 triệu đồng/hộ đối với trường hợp cải tạo, sửa chữa nhà ở (cao hơn mức hỗ trợ của Trung ương 20 triệu đồng).

Tại hội nghị giao ban báo chí tỉnh Quảng Ninh ngày 3.10, ông Đỗ Xuân Điệp - Phó Giám đốc Sở Xây dựng - thông tin: “Đến hết ngày 30.9.2023, Quảng Ninh đã hoàn thành hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 441/441 nhà theo chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2023 với tổng kinh phí đã vận động hỗ trợ gần 33 tỉ đồng”.

Quảng Ninh đang phấn đấu đến hết năm 2025, tỉ lệ hộ nghèo xét theo chuẩn nghèo đa chiều riêng của tỉnh, chỉ còn dưới 0,05%.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn