MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khai trường than lộ thiên của Công ty than Hòn Gai, phường Hà Khánh, TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Nguyễn Hùng

Quảng Ninh: Mất cả năm để xin một giấy phép

Nguyễn Hùng LDO | 28/08/2021 07:38
Những tấn đất, đá thải mỏ đầu tiên của ngành than vừa được vận chuyển từ bãi thải mỏ của Công ty CP than Núi Béo, TP.Hạ Long để sử dụng san lấp mặt bằng cho Dự án đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả. Với sản lượng đất đá thải mỏ cực lớn, Quảng Ninh bắt đầu sử dụng loại nguyên vật liệu này  phục vụ các dự án công trình, thay vì phải đá đồi, núi tự nhiên. Tuy nhiên, quy trình để xin một mỏ đất đá thải là vô cùng phức tạp và mất nhiều thời gian.

Quy trình phức tạp và kéo dài

Ông Vũ Văn Khánh - Giám đốc Ban quản lý các dự án công trình giao thông tỉnh Quảng Ninh, chủ đầu tư Dự án đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả - cho biết, đất, đá thải của ngành than phù hợp cho việc san lấp mặt bằng ở thời điểm đổ móng nền đường. Tuy nhiên, khi những chuyến xe đầu tiên chở đất, đá thải của Công ty CP than Núi Béo khởi hành thì dự án đã cơ bản ở phần làm mặt đường, mà đất, đá thải mỏ không phù hợp.

Theo ông Trần Như Long - Giám đốc Sở TNMT Quảng Ninh, thủ tục xin Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) cấp phép cho khai thác 700.000m3 đất, đá thải của Công ty CP than Núi Béo là khoảng 1 năm.

Cũng theo ông Long, Luật Khoáng sản quy định những loại khoáng sản có giá trị thì do Bộ TNMT thay mặt nhà nước quản lý; còn các mỏ đất đồi thì giao cho địa phương quản lý.

“Đất, đá thải mỏ dù không còn nhiều giá trị nhưng vẫn được coi là khoáng sản đi kèm than và vẫn nằm trong ranh giới mỏ nên vẫn thuộc loại khoáng sản do Bộ TNMT thay mặt nhà nước quản lý” - ông Long cho hay.

Theo đó, để sử dụng đất đá thải mỏ phải thực hiện đầy đủ các một loạt các thủ tục hành chính như: Đánh giá trữ lượng, lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án mỏ, lập hồ sơ xin cấp phép khai thác khoáng sản... Hiện, các thủ tục này thuộc thẩm quyền của Bộ TNMT, và kể cả Bộ có ủy quyền cho tỉnh đối với từng dự án đơn lẻ thì thủ tục cũng không thể nhanh hơn.

Đề xuất coi là chất thải rắn công nghiệp thông thường

Quảng Ninh đang có khối lượng đất đá thải mỏ than rất lớn (khoảng 1.500 triệu m3). Hằng năm, các mỏ than phát sinh hơn 100 triệu m3 đất đá thải, đang chiếm ngày càng nhiều diện tích đất và có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, cảnh quan và sạt lở đất. Việc tái sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp và làm nguyên vật liệu đầu vào để sản xuất các sản phẩm khác vừa giúp sử dụng tiết kiệm nguồn tài nguyên đất san lấp và tạo nguyên vật liệu mới cho quá trình sản xuất khác.

Ước tính, để phục vụ cho việc san lấp mặt bằng các dự án, mỗi năm Quảng Ninh cần ít nhất 100 triệu m3 đất, đá, cát… nhằm giải quyết bài toán này và hạn chế phá đồi, xẻ núi lấy nguyên liệu san lấp mặt bằng, tỉnh Quảng Ninh và Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã thống nhất sử dụng đất, đá thải mỏ.

Tuy nhiên, việc tái sử dụng đất đá thải mỏ hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là về thủ tục hành chính, do đất đá thải mỏ than đang được xem và quản lý như tài nguyên khoáng sản đi kèm than.

Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có báo cáo với Chính phủ, trong đó đề xuất coi đất đá thải mỏ than không phải là khoáng sản, mà là chất thải rắn công nghiệp thông thường.

Được biết, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ TNMT nghiên cứu, đề xuất để sửa đổi cho phù hợp, trình các cơ quan chức năng xem xét, cho ý kiến.

Hiện các đơn vị liên quan của Quảng Ninh và TKV đang xin thủ tục để cấp đất đá thải mỏ ở Công ty Than Hòn Gai, TP.Hạ Long cho san lấp mặt bằng dự án cầu Cửa Lục 1 và 3.  

Quảng Ninh hiện có 6 bãi thải mỏ, tập trung tại Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí và Đông Triều. Quy hoạch các bãi thải có độ cao từ 200m - 300m. Bãi đổ thải luôn là bài toán “đau đầu” bởi tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường, sạt lở…, dù ngành than đã có nhiều nỗ lực và đầu tư rất lớn để giảm thiểu, khắc phục.


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn