MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Quảng Ninh được coi là một hình mẫu về việc thu hút các nguồn lực để phát triển hạ tầng giao thông. Trong ảnh là đường ven biển Hạ Long - Cẩm Phả. Ảnh: Nguyễn Hùng

Quảng Ninh nên tính làm các đô thị dọc biên giới, miền núi và mỏ than

Nguyễn Hùng LDO | 18/11/2023 13:36

Quảng Ninh - Đây là đề xuất của GS.TS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - tại Hội thảo cấp quốc gia “Tư duy và hành động đột phá phát triển của tỉnh Quảng Ninh: Giá trị lý luận và thực tiễn” diễn ra sáng 18.11 ở Hạ Long. Hội thảo do Tỉnh ủy Quảng Ninh phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản tổ chức.

Theo ông Đặng Hùng Võ, cho đến nay, Quảng Ninh mới thu hút được đầu tư hạ tầng vào con đường ven biển từ Hải Phòng tới Hạ Long, từ Hạ Long tới Vân Đồn và từ Vân Đồn tới Móng Cái. Các nhà đầu tư tiếp tục đầu tư các dự án bất động sản du lịch và nhà ở tại thành phố Hạ Long và Vân Đồn. Giá đất tại Hạ Long có tăng cao hơn, nhưng chưa tạo được sức hút đầu tư mạnh mẽ hơn từ các nhà đầu tư thứ cấp. Điều này cho thấy tiềm năng là có, sức hút cũng đã có, nhưng chưa thực sự mạnh.

Cho tương lai gần, theo ông Võ, Quảng Ninh cần tính tới một quy hoạch đô thị hóa ở phạm vi tổng thể hơn và tính tới khả năng thu hút đầu tư từ các nhà đầu tư nước ngoài.

Việc cần làm lúc này là Quảng Ninh nên xem xét quy hoạch hệ thống các khu đô thị, khu du lịch, khu công nghiệp, khu dịch vụ ngoài con đường hạ tầng ven biển đã hình thành. Các khu vực cần ưu tiên xem xét là các đảo lớn ngoài khơi xa có khả năng tạo thành các khu du lịch ở nhiều cấp hạng khác nhau gắn với các loại hình kinh tế biển. Tiếp theo là xem xét chuỗi đô thị dọc biên giới với Trung Quốc gắn với các khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái - Đông Hưng. Tiếp theo nữa là các đô thị miền núi gắn với du lịch sinh thái và trải nghiệm vùng núi. Cuối cùng là các đô thị gắn với các khu công nghiệp khai thác than.

Theo quy hoạch tỉnh Quảng Ninh vừa được Chính phủ phê duyệt, Quảng Ninh sẽ nghiên cứu xây dựng các khu đô thị trên các mỏ than lộ thiên đã hoàn nguyên sau khai thác. Trong ảnh là moong than khai thác lộ thiên 917, phường Hà Khánh đã dừng khai thác. Ảnh: Nguyễn Hùng

Chia sẻ các ý kiến tại hội thảo, các đại biểu đều khẳng định, Quảng Ninh là địa phương có nhiều đột phá chiến lược trong phát triển: Đột phá về hạ tầng; Đột phá cải cách thể chế hành chính; Đột phá về nguồn nhân lực; Đột phá về xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền trong tỉnh.

Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà - Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, tư duy và hành động đột phá phát triển của tỉnh Quảng Ninh gợi mở ra rất nhiều vấn đề cả ở góc độ tổng kết thực tiễn và nghiên cứu lý luận.

Trong đó có việc Quảng Ninh đã đột phá trong huy động và sử dụng nguồn lực từ các thành phần kinh tế, các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, du lịch đồng bộ, hiện đại.

Hội thảo “Tư duy và hành động đột phá phát triển của tỉnh Quảng Ninh: Giá trị lý luận và thực tiễn”. Ảnh: Trúc Linh

Sự thành công của Quảng Ninh minh chứng cho sự vận dụng phù hợp, sáng tạo với thực tiễn Quảng Ninh, với nhiều chủ trương và cách làm sáng tạo.

Trong khi đó, PGS.TS Vũ Văn Hà - Ban Thư ký khoa học Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản - cho rằng, những đột phá, cách làm sáng tạo ấy đến từ sự mạnh mẽ trong tư duy dám làm, dám chịu trách nhiệm của Quảng Ninh. Không chỉ đổi mới một lần là xong, đổi mới và đột phá còn đòi hỏi cả sự kiên trì, tin ở nội lực, tin ở tư duy của mình. Những mô hình mà nay đã trở thành thực tiễn ở Quảng Ninh đã cung cấp những cơ sở, luận cứ quan trọng để cả nước thêm vững tin đổi mới, hướng tới những mục tiêu dài hạn như tinh thần của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Xuân Ký - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh - chia sẻ, trong suốt quá trình phát triển, Quảng Ninh đã mạnh dạn tìm tòi và đi tiên phong thử nghiệm những cách làm mới chưa có tiền lệ đầy táo bạo, sáng tạo, mang tính đột phá, giúp tạo nên những kỳ tích phát triển.

Nhiều vấn đề mà Quảng Ninh mạnh dạn kiến nghị Trung ương cho thí điểm áp dụng, sau đó được tổng kết nhân rộng, đưa Quảng Ninh trở thành một “địa chỉ đỏ” khởi nguồn của những chủ trương, chính sách mới, mang tính đột phá của cả nước; đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đổi mới của toàn Đảng và đất nước.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn