MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đầu phố Long Tiên, phường Bạch Đằng, TP. Hạ Long nơi dự kiến hình thành phố đêm, phố đi bộ. Ảnh: Đoàn Hưng

Quảng Ninh: Người dân, doanh nghiệp bàn về xây dựng phố đi bộ, phố đêm

Đoàn Hưng LDO | 28/02/2023 11:43

Quảng Ninh - Tin từ UBND TP.Hạ Long, địa phương sẽ quyết tâm đưa tuyến phố đêm, phố đi bộ vào hoạt động từ tháng 6.2023 nhằm đa dạng hóa các sản phẩm du lịch.

Kỳ vọng tuyến phố đi bộ

Phương án đưa ra là tuyến phố có chiều dài 400m tại phố Long Tiên, phường Bạch Đằng, bắt đầu từ ngã tư đường Lê Thánh Tông đến khu vực Công ty CP Khách thủy Quảng Ninh và kéo dài tiếp giáp với đường Trần Quốc Nghiễn. 

Thời gian hoạt động của phố đêm từ 18 - 24h trong các ngày từ thứ 6 đến chủ nhật hằng tuần. Tuyến phố sẽ có các nhóm hàng ẩm thực; đồ thủ công trong tỉnh... 

Đồng thời, có các hoạt động văn hóa nghệ thuật bổ trợ như các hoạt động âm nhạc đường phố phù hợp; trình diễn thực tế làm bánh mì, bánh cuốn, chả mực giã tay… để mang lại sự trải nghiệm mới lạ cho du khách.

Phố Long Tiên là một khu phố sầm uất, nhộn nhịp về ban ngày. Ảnh: Đoàn Hưng

Đối với công tác xã hội hóa, TP.Hạ Long sẽ huy động các hộ dân hai bên tuyến phố Long Tiên sửa lại mặt ngoài của nhà, lắp đặt biển hiệu, biển quảng cáo theo quy chuẩn thiết kế chung. Công ty CP Khách Thuỷ sẽ hiến đất để mở đường đấu nối từ tuyến phố Long Tiên ra đường Trần Quốc Nghiễn và chủ động cải tạo, chỉnh trang khuôn viên, tạo cảnh quan chung.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND TP.Hạ Long, cho biết: "Hiện thành phố đang phối hợp với các cơ quan chức năng, tham khảo ý kiến doanh nghiệp, nhân dân để hoàn thiện phương án xây dựng tuyến phố đêm, tuyến phố đi bộ. Quyết tâm của thành phố trong mùa hè 2023 sẽ đưa tuyến phố đêm, tuyến phố đi bộ vào hoạt động nhằm tăng sức hút cho thành phố bên bờ di sản."

Cần hài hòa lợi ích của người dân – doanh nghiệp – chính quyền

Đón nhận thông tin trên, nhiều doanh nghiệp tỏ ra hào hứng. Theo ông Nguyễn Hà Hải, Giám đốc Công ty CP Du lịch và Dịch vụ Hòn Gai chi nhánh Quảng Ninh: “Hiện tại, Hạ Long đang thiếu những điểm để khách du lịch đi dạo, khám phá đêm cho nên doanh nghiệp cũng rất kỳ vọng về một tuyến phố có không gian riêng, đặc trưng, ẩm thực phong phú kết hợp với những nét đặc sắc văn hóa… Công ty tôi cũng vừa dẫn một đoàn doanh nhân thành phố Chang Won, Hàn Quốc đến Hạ Long khảo sát tìm cơ hội hợp tác đầu tư chuỗi nhà hàng ẩm thực Hàn Quốc. Nếu tuyến phố đêm, tuyến phố đi bộ lồng ghép với chương trình ẩm thực đó thì rất thú vị”. 

Góp ý để có tuyến phố đi bộ tầm cỡ, ông Bùi Đức Long, Giám đốc Công ty TNHH Hương Hải Hạ Long cho rằng: Hình thành phố đêm, phố đi bộ rất dễ nhưng quan trọng là trong lòng phố ấy có gì. Trên thực tế, tuyến phố đi bộ, phố đêm, bản thân nó cần phải tự có sức hút, chứa đựng bề dày văn hóa cũng như có một không gian để phát triển. Từ đó, chính quyền, doanh nghiệp sẽ xây dựng các sản phẩm dịch vụ bổ trợ…

"Tuyến phố Long Tiên, phường Bạch Đằng là một trong những tuyến phố trung tâm của Hạ Long, người dân sinh sống đông đúc, hoạt động thương mại buôn bán sầm uất, chưa kể nơi đây cũng có ngôi chùa Long Tiên nổi tiếng. Khi xây dựng tuyến phố tại đây cũng cần tính đến chuyện xung đột về không gian, âm thanh, tiếng động và lợi ích kinh tế” - ông Bùi Đức Long nói.

Ông Long đề nghị: “Để xây dựng một tuyến phố đi bộ, phố đêm “đúng chuẩn” thì nên có lộ trình, tổ chức nhiều cuộc hội thảo, lôi kéo được nhiều doanh nghiệp tham gia và tìm ra được một vị tổng đạo diễn để xây dựng bài bản, tránh tình trạng làm chưa tới, chưa đúng tầm”.

Vào buổi tối khu phố khá trầm lắng. Ảnh: Đoàn Hưng

Còn với người dân sinh sống tại tuyến phố, họ cũng đang nghe ngóng, đợi chờ. Một người dân cho biết, tuyến phố này về cơ bản buổi tối cũng trầm lắng, mới 20h30 mọi người đã đóng cửa ở trong nhà. Cũng chưa rõ chính quyền sẽ làm như nào, tổ chức khai thác tuyến phố ra sao, rồi còn phương án giao thông, bãi đỗ xe … chúng tôi đang mong ngóng.

Với những lợi thế của một thành phố bên bờ di sản, mong muốn đa dạng hóa các sản phẩm du lịch là đúng và cần thiết. Tuy nhiên, để hiện thực hóa có lẽ cần thêm thời gian và nghiên cứu cụ thể, làm sao để phù hợp giữa lợi ích của người dân – doanh nghiệp – chính quyền. Từ đó tạo ra những sản phẩm du lịch mang đặc trưng địa phương và sức hút với du khách, đúng theo tiêu chí “độc” và “lạ” của ngành du lịch – con gà đẻ trứng vàng của mọi nền kinh tế.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn