MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hơn 2 năm nay, trạm y tế xã Quảng Minh không dám đỡ đẻ cho sản phụ nào do tường thấm dột, rêu mốc. Ảnh: Đoàn Hưng

Quảng Ninh: Nhiều trạm y tế cần được nâng cấp

Đoàn Hưng LDO | 27/11/2022 17:23
Quảng Ninh – Do được xây dựng từ lâu, nhiều trạm y tế trên địa bàn huyện Hải Hà (tỉnh Quảng Ninh) đã có dấu hiệu xuống cấp, ảnh hưởng đến công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân địa phương.

Trạm y tế thị trấn Quảng Hà (huyện Hải Hà) được đưa vào sử dụng từ năm 2004 gồm 7 phòng chuyên môn. Đến nay, phần mái nhà đã ngả màu han gỉ, bị thấm dột. Mỗi khi trời mưa to, sân của trạm y tế lại bì bõm, ngập sâu đến 30 cm nước.

Phần mái của trạm y tế thị trấn Quảng Hà đã ngả màu han gỉ, bị thấm dột. Ảnh: Đoàn Hưng

Bác sĩ Nguyễn Văn Trọng, trạm y tế thị trấn Quảng Hà cho biết, tháng 1.2020, UBND huyện Hải Hà sáp nhập các xã Phú Hải, Quảng Trung, Quảng Điền vào thị trấn Quảng Hà, nâng tổng dân số trên địa bàn lên hơn 14.000 người. Cùng với đó, số công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Texhong Hải Hà khoảng 14.000 người. Chính vì vậy, số lượng người đến khám chữa bệnh tại trạm khá đông, mỗi ngày hơn 10 trường hợp.

Gạch nền trạm y tế  bong tróc, chắp vá. Ảnh: Đoàn Hưng

Tuy nhiên, cơ sở vật chất tại trạm không đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh. Theo quy định, một trạm y tế phải có 9 phòng, nhưng hiện trạm chỉ bố trí được 7 phòng. Do đó, một số phòng phải lồng ghép, kiêm nhiệm nhiều chức năng như: Phòng Khám bệnh lồng ghép với phòng Dược, phòng Tiêm chủng lồng ghép với phòng Cấp cứu, phòng Bệnh nhân lồng ghép với phòng Sau sinh, phòng Thủ thuật Sản lồng ghép với phòng Kế hoạch hóa gia đình. Như vậy không đảm bảo tính riêng tư, khoa học cũng như công tác vệ sinh, khử khuẩn.

Phòng ngồi chờ cho người bệnh không có, phải bố trí ngoài hành lang. Ảnh: Đoàn Hưng

Mỗi khi có chiến dịch tiêm chủng mở rộng, đặc biệt như các đợt tiêm chủng vaccine phòng chống dịch COVID-19 trong cộng đồng thời gian qua, sự xuống cấp của các trạm y tế khiến hoạt động của đội ngũ y tế gặp nhiều khó khăn. Trạm không đủ không gian để bố trí tạo thành vòng tròn khép kín lối ra vào riêng nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm chéo, phòng ngồi chờ cho người bệnh không có phải ngồi ngoài hành lang...

Phòng đỡ đẻ trạm y tế xã Quảng Chính rêu mốc. Ảnh: Đoàn Hưng

Còn tại trạm y tế xã Quảng Chính, mặc dù có đủ các chức năng khám chữa bệnh, cấp cứu, đỡ đẻ thường xuyên, song hơn 2 năm nay, trạm y tế này không dám đỡ đẻ cho sản phụ nào do tường thấm dột, rêu mốc, không đảm bảo thực hiện chống nhiễm khuẩn. Các phòng chức năng khác cũng nứt nẻ, thấm dột, nền gạch bong tróc.

Tường một số phòng nứt gẫy. Ảnh: Đoàn Hưng
Trần nhà một số phòng thấm nước. Ảnh: Đoàn Hưng

Ông Nguyễn Hồng Uyên, Phó Giám đốc Trung tâm y tế huyện Hải Hà cho biết, địa phương hiện có 11 trạm y tế xã, thị trấn do Trung tâm y tế huyện Hải Hà quản lý. Về cơ bản, các trạm xây dựng từ năm 2010 và đều đã xuống cấp, thậm chí có trạm xây dựng từ năm 2003. 

"Chúng tôi đã báo cáo thực trạng với đơn vị quản lý là Sở Y tế Quảng Ninh. Sở Y tế cũng đã khảo sát 2 lần, theo phương án đề ra trong năm 2023 sẽ sửa chữa nâng cấp 8 trạm. Không chỉ đội ngũ y tế mà người dân nơi đây đang rất mong chờ.

Theo chức năng quy định, hệ thống y tế cơ sở, trong đó có y tế xã, phường, thị trấn là đơn vị y tế đóng vai trò quan trọng, là nơi triển khai hầu hết các hoạt động y tế dự phòng, phòng, chống dịch bệnh, khám - chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, đồng thời tổ chức thực hiện chương trình dân số - kế hoạch hóa gia đình; quản lý theo dõi hoạt động y tế xã, thôn, bản; thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng vào công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Thế nhưng để hệ thống này phát huy được tròn vai của mình, cần hơn bao giờ hết sự đầu tư nâng cấp đúng mức về cơ sở vật chất, hạ tầng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn