MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái. Ảnh: Đoàn Hưng

Quảng Ninh: Những lưu ý về phòng chống dịch tại cửa khẩu Móng Cái

Đoàn Hưng LDO | 08/01/2023 08:34

Quảng Ninh –  Từ 8.1.2023, Trung Quốc thực hiện điều chỉnh chính sách phòng chống dịch và xuất nhập cảnh.  Như vậy  người dân đi qua khu vực cửa khẩu Quốc tế Móng Cái cần lưu ý những gì trong phòng chống dịch? PV Lao Động đã có cuộc phỏng vấn với ông Hoàng Văn Lương - Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch Y tế Quốc tế tỉnh Quảng Ninh.

Ông Hoàng Văn Lương, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch Y tế Quốc tế tỉnh Quảng Ninh

Thưa ông, đến thời điểm này, đơn vị đã xây dựng phương án phòng chống dịch tại khu vực cửa khẩu như thế nào để vừa có thể đảm bảo cho phát triển kinh tế, vừa an toàn phòng dịch?

- Quảng Ninh là tỉnh có 4 cửa khẩu biên giới đất liền, 1 điểm xuất hàng, 1 cửa khẩu cảng biển với nước Trung Quốc.

Từ 8.1.2023, Trung Quốc thực hiện điều chỉnh chính sách phòng chống dịch và xuất nhập cảnh. Trung tâm Kiểm dịch Y tế Quốc tế tiếp tục duy trì công tác thông tin, trao đổi, tiếp nhận thông tin giữa Việt Nam và Trung Quốc, thực hiện các hoạt động kiểm dịch y tế đảm bảo đồng bộ, nhanh chóng, thuận lợi trên cơ sở đúng quy định, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh.

Người dân xếp hàng làm thủ tục xuất cảnh tại Cửa khẩu quốc tế sáng 8.1.2023. Ảnh: Đoàn Hưng

Riêng về công tác kiểm dịch y tế, thực hiện chặt chẽ các quy trình kiểm dịch y tế tại Nghị định số 89/2018/NĐ-CP ngày 25.6.2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm về kiểm dịch y tế biên giới. Đặc biệt là các biện pháp như: Dự phòng chủ động bắt buộc yêu cầu đeo khẩu trang, thường xuyên sát khuẩn tay…, giám sát thân nhiệt bằng máy đo thân nhiệt từ xa; phun khử khuẩn đối với phương tiện, hàng hóa có dấu hiệu, nguy cơ bệnh truyền nhiễm.

Trường hợp phát hiện người có triệu chứng nghi ngờ mắc COVID-19 tại khu vực cửa khẩu, tiến hành đưa vào phòng cách ly tạm thời và thực hiện test kháng nguyên SARS-CoV-2, cán bộ kiểm dịch y tế tiến hành tư vấn, hướng dẫn.

Trường hợp là người nhập cảnh, tùy theo mong muốn, nguyện vọng, điều kiện thực tế, người nhập cảnh có thể trở về Trung Quốc để tự cách ly, điều trị hoặc được chuyển tới các cơ sở y tế trên địa bàn để được cách ly, điều trị theo quy định hiện hành tại Việt Nam.

Trường hợp là người Việt Nam xuất cảnh, với người có triệu chứng mắc COVID-19 nặng như khó thở, sốt cao, mệt mỏi, Trung tâm Kiểm dịch Y tế Quốc tế liên hệ với cơ sở y tế địa phương để chuyển bệnh nhân về cơ sở y tế khám, điều trị. Với người có triệu chứng mắc COVID -19 nhẹ, yêu cầu cách ly tại nhà.

Yêu cầu 100% người ra/vào, hành khách xuất nhập cảnh, người làm việc trong khu vực cửa khẩu, lối mở phải đeo khẩu trang, thường xuyên sát khuẩn tay, không tập trung đông người.

Thực hiện phun khử khuẩn khu vực cửa khẩu, đặc biệt là các vị trí có sự tiếp xúc đông người qua lại (hành lang, ghế ngồi, tay nắm…); phun khử khuẩn sau mỗi ngày làm việc khi hết người xuất, nhập cảnh.

Còn trong kỳ nghỉ Tết nguyên đán sắp tới thì sao khi mà dự kiến lượng khách tại TP Móng Cái sẽ gia tăng sau một thời gian dài đóng cửa, thưa ông?

Kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán sắp tới, dự kiến lượng người thông quan qua khu vực cửa khẩu Quốc tế Móng Cái sẽ tăng cao. Tổ kiểm dịch Y tế Quốc tế đã phối hợp với cơ quan quản lý cửa khẩu bố trí vị trí, địa điểm thực hiện lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 và phân luồng di chuyển của hành khách, đảm bảo thuận tiện, không gây ảnh hưởng tới các công tác khác.

Trung tâm Kiểm dịch Y tế Quốc tế cũng căn cứ tình hình thực tế tại mỗi cửa khẩu để bố trí cán bộ, điều chuyển cán bộ nếu cần thiết, đảm bảo nhân lực thực hiện công tác xét nghiệm. Đồng thời lập kế hoạch đề nghị cung cấp vật tư, hóa chất phục vụ công tác lấy mẫu xét nghiệm.

Đặc biệt, đẩy mạnh công tác truyền thông, thường xuyên cập nhật, thay đổi nội dung truyền thông phù hợp với tình hình dịch bệnh và chính sách phòng chống dịch, xuất nhập cảnh.

Chúng ta phải tiếp tục phòng bệnh linh hoạt, cần thực hiện chiến lược “nguy cơ đến đâu đáp ứng đến đó”, chuyển từ “cấm đoán sang kiểm soát rủi ro" để vừa kiểm soát được dịch bệnh mà vẫn đảm bảo việc làm ăn kinh tế, không ảnh hưởng tới an sinh xã hội.

Ông có khuyến cáo gì với người dân vào thời điểm này khi có hoạt động trao đổi, buôn bán tại các khu vực cửa khẩu để đảm bảo an toàn?

Thời điểm này cách đây 1 năm, số ca mắc COVID-19 của Việt Nam cũng như Quảng Ninh bùng phát trên diện rộng. Song nhờ được bao phủ hiệu quả vaccine trong cộng đồng, chúng ta đã nhanh chóng vượt qua đại dịch. Từ quý 2, năm 2022 trở đi, số ca mắc giảm sâu, dịch bệnh được kiểm soát tốt.

Thế nhưng, điều này cũng khiến nhiều người nảy sinh tâm lí chủ quan, thờ ơ với dịch, nhất là việc tiêm chủng cho trẻ em, hay mũi 4, gặp khó khăn hơn so với trước. Trong khi đó, các biến chủng mới của SARS-CoV-2 liên tục xuất hiện. Mới đây, biến chủng phụ XBB của Omicron có đặc tính lây lan nhanh nhất từ trước đến nay đã được ghi nhận xuất hiện tại TP Hồ Chí Minh. Chính vì vậy, trong đó, việc tiêm chủng vaccine vẫn là biện pháp quan trọng nhất trong phòng, chống dịch.

Bên cạnh đó, người dân phải chủ động phòng bệnh cho bản thân và cộng đồng. Đó là đeo khẩu trang ở nơi nguy cơ cao, rửa tay khử khuẩn thường xuyên... Đặc biệt, những người có triệu chứng nghi ngờ cũng cần chủ động phòng bệnh cho người khác. Đặc biệt lưu ý việc bảo vệ nhóm nguy cơ cao như người già, người có bệnh nền.

Xin cảm ơn ông.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn