MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mực nước tại hồ Yên Lập thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 là 1,5m. Ảnh: Đoàn Hưng

Quảng Ninh sẽ sử dụng máy bơm nếu các hồ dưới mực nước chết

Đoàn Hưng LDO | 06/06/2023 20:47

Trong khi tình trạng cắt điện luân phiên vẫn đang diễn ra, người dân Quảng Ninh cũng đang lo lắng về tình hình dự trữ nước sinh hoạt trên địa bàn liệu có đảm bảo. Trả lời phóng viên Báo Lao Động chiều 6.6, đại diện Chi cục Thủy lợi địa phương khẳng định: “Các hồ nước ở Quảng Ninh vẫn đang ở ngưỡng an toàn. Trong tình huống xấu nhất nếu các hồ ở dưới mực nước chết, sẽ sử dụng máy bơm”.

Công ty TNHH MTV Thủy lợi Yên Lập hiện đang quản lý 13 hồ thủy lợi, trong đó, riêng hồ Yên Lập là một trong những công trình trọng điểm có dung tích chứa lớn nhất tỉnh Quảng  Ninh với hơn 127 triệu m3.  Mực nước tại hồ Yên Lập trong ngày 6.6 là 21,05m, trữ 47,040 triệu m3 nước .

Ông Nguyễn Khánh Dư - Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Yên Lập - cho biết: “Tính đến cuối mùa mưa năm 2022, mực nước ở hệ thống hồ chứa đều tích đủ nước theo dung tích thiết kế. Tuy nhiên, từ tháng 11.2022 đến tháng 3.2023, thời tiết không có mưa, số ngày nắng nhiều, hanh khô kéo dài dẫn đến dung tích trên các hệ thống hồ chứa do công ty quản lý giảm xuống nhanh”.

Hiện tại, mực nước trong các hồ đập do công ty quản lý đều thấp hơn so với cùng kỳ năm trước từ 1 - 2m, đặc biệt nếu tình trạng nắng nóng, không mưa kéo dài, hồ Yên Lập có khả năng rơi vào tình trạng báo động. Công ty đã xây dựng phương án lắp đặt các máy bơm để tận dụng nước tại các sông ngòi ao hồ và luồng lạch khi các hồ dưới mực nước chết" - ông Dư cho biết thêm.  

Theo báo cáo mới nhất của Công ty TNHH MTV Thủy lợi Yên Lập, nếu thời tiết không mưa, nắng nóng kéo dài thì hồ Cao Vân - hồ phục vụ nước sinh hoạt lớn nhất của địa phương vẫn còn khả năng cấp nước đến ngày 19.8.2023 với lưu lượng 4.000 m3/ngày đêm.  

Sẵn sàng phương án dùng máy bơm nếu các hồ chứa dưới mực nước chết. Ảnh: Đoàn Hưng

Quảng Ninh hiện có 176 hồ chứa nước đang hoạt động, trong đó có 7 hồ có dung tích trên 10 triệu m3; 5 hồ dung tích lớn hơn 5 triệu m3, 11 hồ dung tích lớn hơn 1 triệu m3, 102 trạm bơm tưới, tiêu các loại và 460 đập dâng cấp nước cho sinh hoạt, công nghiệp, du lịch và sản xuất nông nghiệp, với dung tích hữu ích khoảng 323,12 triệu m3.

Tổng lượng nước trữ của 35 hồ chứa trong tỉnh tính đến ngày 6.6 lúc 7h là 173,006,5 triệu m3, đạt 54,17% tổng dung tích thiết kế. So với năm 2022 cùng thời điểm giảm 15,3 triệu m3. 

Ông Đoàn Mạnh Phương – Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Quảng Ninh thông tin thêm: “Thực tế diễn ra đang theo đúng dự báo của trung tâm khí tượng thủy văn. Đến thời điểm này vẫn chưa xuất hiện lũ tiểu mãn, trong khi thông thường, lũ tiểu mãn xuất hiện từ 15.4 - 30.4. Trước thực tế này, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản triển khai đến các ngành địa phương. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ra công điện số 397/CĐ-TTg về việc chủ động triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn".

Chi cục đã chỉ đạo các công ty thủy lợi, các hồ chủ động tích trữ nước từ cuối mùa mưa năm 2022, các địa phương, các đơn vị liên quan chủ động nạo vét kênh mương chống rò rỉ. Trong kế hoạch, ưu tiên hàng đầu cho nhu cầu sinh hoạt của người dân. Cũng có một thuận lợi, đó là diện tích đất nông nghiệp mấy năm gần đây thu hẹp nhường chỗ cho các mục đích khác, vì vậy nhu cầu nước tưới tiêu phục vụ sản xuất giảm " - ông Phương cho biết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn