MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phế thải xây dựng đổ ven đường tại khu Chợ Vàng, phường Hoàng Quế, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Đoàn Hưng

Quảng Ninh trưng dụng phế thải xây dựng thành vật liệu san lấp

Đoàn Hưng LDO | 13/07/2023 18:44

Trong khi việc đổ trộm rác thải xây dựng xuất hiện ngày một phổ biến tại Quảng Ninh, để giải quyết vấn nạn này, địa phương vừa ra văn bản “trưng dụng” phế thải xây dựng thành vật liệu san lấp. Quyết định này không chỉ giúp đảm bảo mỹ quan đô thị mà còn là cách để Quảng Ninh từng bước hiện thực hóa kinh tế tuần hoàn theo chỉ đạo của Chính phủ.

Hiện nay, trong quá trình xây dựng các công trình phát sinh nhiều nguồn phế thải xây dựng, đất đá dư thừa đủ điều kiện làm vật liệu san nền.

Tuy nhiên, việc sử dụng nguồn vật liệu san lấp này còn một số vướng mắc liên quan đến các thủ tục hành chính, phân loại. Cùng với đó, vấn nạn đổ trộm rác thải xây dựng diễn ra ngày càng phổ biến hơn.

Anh Lưu Văn Hào, 34 tuổi, trú tại khu Chợ Vàng, phường Hoàng Quế, thị xã Đông Triều bức xúc cho biết: “Việc đổ trộm phế thải xây dựng tại khu vực tôi ở diễn ra thường xuyên hơn 3 năm nay. Đổ trộm thì họ không thể đổ gọn gàng được mà bạ đâu đổ đó, có khi còn đổ ngay trước cửa nhà, rất mất an toàn giao thông, mỹ quan đô thị”.

Còn nhà máy gạch không nung Đông Khê, khu Tràng Bạch, phường Hoàng Quế, thị xã Đông Triều đã phải tạm dừng hoạt động từ đầu năm 2023 đến nay do mỏ đá của nhà máy đã đóng cửa từ tháng 7.2022. 30 lao động chính của nhà máy phải chuyển sang làm công việc khác. Nhà máy đang khao khát có nguồn phế thải xây dựng thay thế cho đá để duy trì sản xuất.

Công ty CP Dịch vụ vệ sinh môi trường Đông Khê tận dụng phế thải xây dựng làm gạch không nung và san lấp mặt bằng các dự án. Ảnh: Đoàn Hưng

Ông Nguyễn Đức Hướng – Trưởng phòng Kế hoạch Công ty CP Dịch vụ vệ sinh môi trường Đông Khê - cho biết: “Công ty đang xin phép các cơ quan chức năng được sử dụng nguồn phế thải xây dựng, sau đó phân loại nghiền ra làm gạch không nung, phần nào không tận dụng được thì làm vật liệu san lấp cũng rất tốt cho các dự án của đơn vị đang triển khai. Rất mong muốn có điểm quy hoạch bãi đổ phế thải xây dựng, để dễ quản lý, tận thu sử dụng đúng mục đích”.

Xuất phát từ thực tế này, ngày 6.7.2023, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành văn bản chỉ đạo số 1757/UBND-GTCN&XD về việc thực hiện kinh tế tuần hoàn trong sử dụng đất, đá rời, phế liệu phát sinh trong quá trình thi công các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, thực hiện điều tiết, luân chuyển đất đá rời, phế liệu, vật liệu dư thừa đến các dự án hạ tầng cùng địa bàn và địa bàn lân cận để tiết kiệm, tránh lãng phí các nguồn tài nguyên, hoặc tiếp nhận, tập kết, lưu chứa, quản lý để tái sử dụng.

Theo đó, việc thực hiện phải đảm bảo nguyên tắc: Đối với các dự án đầu tư công thì việc thực hiện điều tiết, luân chuyển đất đá rời, phế liệu, vật liệu dư thừa không làm tăng chi phí đầu tư, không hạch toán trùng lặp gây thất thoát, lãng phí ngân sách nhà nước.

Đối với các khu vực lưu chứa vật liệu dư thừa, trường hợp khu vực bãi chứa tạm phù hợp với quy hoạch làm dự án đầu tư công khác thì khi dự án được phê duyệt, triển khai phải tính toán đầy đủ các khoản nghĩa vụ tài chính có liên quan.

Trường hợp vật liệu dư thừa tại bãi chứa tạm trên được khai thác, vận chuyển cung cấp cho dự án khác phải báo cáo cơ quan có chức năng thực hiện theo quy định của Luật Khoáng sản.

Về phía UBND các địa phương cần phải chủ động rà soát, phối hợp với các chủ đầu tư có liên quan để xác định trữ lượng, khối lượng, rà soát quy hoạch xây dựng, phương án quản lý, thu gom tiếp nhận, phân loại và sử dụng các nguồn đất đá rời, đất màu bề mặt, phế liệu để thực hiện mục tiêu kinh tế tuần hoàn, tiết kiệm các nguồn tài nguyên, đảm bảo các quy định về môi trường.

UBND các địa phương cũng phải chịu trách nhiệm toàn diện về công tác quản lý trên địa bàn; tuyệt đối không để xảy ra vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, lãng phí.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn