MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hàng trăm tàu du lịch dừng hoạt động từ cuối tháng 2.2020. Ảnh: Nguyễn Hùng

Quảng Ninh: Vì sao mới chỉ có 210 người được hỗ trợ từ gói 62.000 tỉ đồng?

Nguyễn Hùng LDO | 27/05/2020 11:17

Chỉ riêng trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch ở Quảng Ninh đã có tới trên 10.000 lao động bị ảnh hưởng do dịch COVID-19, trong đó hàng ngàn người phải nghỉ không lương. Tuy nhiên, đến nay, cả tỉnh Quảng Ninh mới chỉ có 210 người được hỗ trợ 1,8 triệu đồng/tháng, với tổng số tiền 378 triệu đồng từ gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng của Chính phủ.

Theo ông Nguyễn Hoài Sơn – Giám đốc Sở Lao động – Thương binh – xã hội tỉnh Quảng Ninh – hiện các đơn vị liên quan tiếp tục rà soát để chuyển tiền hỗ trợ đến tay người lao động, nhưng khả năng số lượng sẽ không nhiều, bởi những quy định khá bất cập.

Trong đó, chỉ những lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương từ tháng 4.2020 mới được xét hưởng hỗ trợ, trong khi đó, hầu hết các doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch dừng hoạt động từ tháng 2 hoặc tháng 3 do dịch COVID-19.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phải không có doanh thu hoặc không có khả năng tài chính thì người lao động mới được xét hỗ trợ.

“Yêu cầu không có doanh thu thì rất khó bởi có thể một số doanh nghiệp vẫn có doanh thu nhưng doanh số rất thấp. Điều kiện “không còn khả năng tài chính” cũng rất khó xác định” – ông Sơn cho biết.

Theo Bảo hiểm Xã hội tỉnh Quảng Ninh, đến nay, cơ quan này mới tiếp nhận và xác định cho 38 đơn vị với 695 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không lương để chuyển các cấp, ngành liên quan xét duyệt cho hưởng hỗ trợ 1,8 triệu đồng/tháng.

“Số lượng rất ít một phần bởi các quy định bất cập nên nhiều doanh nghiệp không mặn mà. Từ tháng 2 và nhất là sang tháng 3, các doanh nghiệp đã phải dừng hoạt động rồi, nhưng quy định phải nghỉ việc từ tháng 1.4 – 15.6 và thông báo không đóng bảo hiểm từ 1.4 mới được xem xét” – ông Lê Đình Tuấn – Phó giám đốc Bảo hiểm Xã hội tỉnh Quảng Ninh – cho biết.

Chia sẻ với Lao Động, đại diện một số doanh nghiệp du lịch cho biết, dù dừng hoạt động từ đầu tháng 3, người lao động không có lương nhưng công ty vẫn cố gắng đóng bảo hiểm các tháng tiếp theo để giữ chân người lao động.

Theo ông Tuấn, với những trường hợp này, người lao động cũng không được xem xét hỗ trợ bởi nghỉ không lương, tạm hoãn hợp đồng lao động thì đương nhiên là không đóng bảo hiểm và ngược lại: đã đóng bảo hiểm thì phải trả lương và doanh nghiệp không thực sự quá khó khăn.

Theo Sở Lao động – Thương binh – Xã hội tỉnh Quảng Ninh, đến nay, cũng chưa doanh nghiệp nào được vay tiền từ nguồn 62.000 tỉ đồng để chi trả lương cho người lao động.

Trong khi đó, đến hết ngày 24.5.2020, Quảng Ninh đã chuyển trên 77 tỉ đồng tới nhóm người có công, bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo và cận nghèo, đạt 93% kế hoạch; trên 2.379 tỉ đồng cho 2.379 lao động tự do…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn