MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công trình cầu dây văng Sông Hiếu ở thành phố Đông Hà dù đã được gia hạn nhưng vẫn chậm tiến độ. Sau nhiều năm vẫn chưa đưa vào sử dụng được. Ảnh: Hưng Thơ.

Quảng Trị giải ngân vốn đầu tư công thấp, nửa năm chỉ đạt hơn 15%

HƯNG THƠ LDO | 15/07/2023 16:38

Kết quả giải ngân vốn đầu công 6 tháng đầu năm 2023 của tỉnh Quảng Trị rất thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu về tiến độ theo kế hoạch vốn được giao.

Tính đến ngày 20.6.2023, tổng giá trị giải ngân các nguồn vốn đầu tư công do tỉnh Quảng Trị quản lý là 473,155 tỉ đồng, đạt 15,3% kế hoạch được cấp có thẩm quyền giao.

Cụ thể, nguồn vốn ngân sách địa phương cân đối giải ngân 233,625 tỉ đồng, đạt 17,6% kế hoạch HĐND tỉnh giao; nguồn vốn trung ương hỗ trợ giải ngân 188,312 tỉ đồng, đạt 15,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia giải ngân 50,343 tỉ đồng, đạt 13,7% kế hoạch; nguồn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội (lĩnh vực y tế) giải ngân 0,876 tỉ đồng, đạt 0,5% kế hoạch.

Cũng đến ngày 20.6, tổng giá trị giải ngân kế hoạch năm 2022 được cấp có thẩm quyền cho phép kéo dài sang năm 2023 là 107,739 tỉ đồng, đạt 14% kế hoạch.

Trước đó, tỉnh Quảng Trị xác định năm 2023 là năm giữa kỳ, có tính chất “bản lề” đối với việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã được Hội đồng nhân dân các cấp thông qua. Vì vậy, UBND tỉnh Quảng Trị đã triển khai thực hiện các giải pháp đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.

Trong đó, đã tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng và khắc phục tình trạng thiếu hụt nguồn đất đắp phục vụ các công trình. Đặc biệt, Tỉnh ủy Quảng Trị đã thành lập Ban Chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng cấp tỉnh…

Tuy nhiên, kết quả giải ngân 6 tháng đầu năm 2023 của Quảng Trị đạt rất thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu về tiến độ theo kế hoạch vốn được giao.

Lý giải nguyên nhân khiến giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, Quảng Trị đưa ra nhiều lý do.

Trong đó, do kế hoạch thu ngân sách từ nguồn đấu giá quyền sử dụng đất đạt thấp, nên các dự án được phân bổ kế hoạch từ nguồn thu sử dụng đất chưa có nguồn để nhập dự toán, nên chưa thể triển khai thực thực hiện và giải ngân;

Chương trình phục hồi và phát triển phát triển kinh tế xã hội (lĩnh vực y tế) đến ngày 8.3.2023 mới được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương, nên đến cuối tháng 3.2023, tỉnh mới hoàn thành công tác phân bổ kế hoạch để triển khai các bước tiếp theo;

Chương trình mục tiêu quốc gia chủ yếu là các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng có quy mô nhỏ, số lượng dự án thực hiện ở các địa phương lớn. Trong điều kiện lực lượng cán bộ thẩm định dự án ít nên việc tổ chức thẩm định dự án ở các huyện gặp nhiều khó khăn đã làm chậm tiến độ triển khai thực hiện;

Các dự án ODA ngoài việc thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật trong nước, còn phải thực hiện thêm các hồ sơ thủ tục đầu tư theo các cam kết với nhà tài trợ, dẫn đến quá trình hoàn thiện thủ tục, rút vốn, giải ngân mất rất nhiều thời gian, công đoạn...

Nguyên nhân lớn nhất ảnh hưởng đến giải ngân vốn đầu tư công được UBND tỉnh Quảng Trị chỉ ra, là do công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập, chậm được giải quyết ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai, thực hiện các công trình, dự án.

Bên cạnh đó, tiến độ, thủ tục cấp giấy phép khai thác mỏ đất mới mất nhiều thời gian đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện và giải ngân của nhiều dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn