MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thị xã Quảng Trị nằm trong đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025, nhưng tỉnh Quảng Trị đề xuất chưa sáp nhập. Trong ảnh, là thị xã Quảng Trị nhìn từ trên cao. Ảnh: Duy Hùng.

Quảng Trị sẽ sáp nhập nhiều đơn vị hành chính cấp xã

HƯNG THƠ LDO | 12/08/2024 16:14

Theo đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của tỉnh Quảng Trị, có 13 đơn vị hành chính cấp xã phải sáp nhập.

Sắp xếp, sáp nhập 13 đơn vị hành chính cấp xã

Ngày 12.8, UBND tỉnh Quảng Trị xác nhận, cuối tháng 7.2024, tỉnh đã ban hành đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025.

Theo đó, ở giai đoạn này, tỉnh Quảng Trị sẽ tiến hành sắp xếp 13 đơn vị hành chính cấp xã. Quá trình sắp xếp, tỉnh Quảng Trị đã lấy ý kiến, kết quả cho thấy phần lớn cử tri đồng ý với kế hoạch sắp xếp được đưa ra.

Như việc sắp xếp nhập xã Linh Hải và xã Gio Sơn (huyện Gio Linh) thành xã Gio Sơn, cử tri đồng ý hơn 99%. Sắp xếp nhập thôn Hà Thanh xã Gio Châu vào xã Gio Quang (huyện Gio Linh), kết quả lấy ý kiến có hơn 80% cử tri đồng ý.

Tương tự, việc sắp xếp nhập thôn Hà Thượng và thôn Hà Trung của xã Gio Châu vào thị trấn Gio Linh (huyện Gio Linh) tỉ lệ cử tri đồng ý hơn 80%. Việc sắp xếp nhập xã Triệu Sơn và xã Triệu Lăng thành xã Triệu Cơ (huyện Triệu Phong) cũng nhận được sự đồng tình của cử tri, khi kết quả lấy ý kiến có hơn 90% cử tri đồng ý…

Do yếu tố đặc thù, tỉnh Quảng Trị thống nhất chưa thực hiện sắp xếp đối với 8 xã, phường, thị trấn giai đoạn 2023 – 2025.

Chưa sắp xếp thị xã Quảng Trị và đảo Cồn Cỏ

Theo ông Ngô Quang Chiến – Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Trị, UBND tỉnh Quảng Trị đã xây dựng đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2025 trình Bộ Nội vụ. Hiện nay, đề án đã được Hội đồng thẩm định của Trung ương thẩm định để trình Chính phủ xem xét, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo đề án, đối với đơn vị hành chính cấp huyện, tỉnh Quảng Trị có 2 đơn vị phải thực hiện sắp xếp giai đoạn 2023 - 2025 là huyện đảo Cồn Cỏ và thị xã Quảng Trị, vì 2 đơn vị trên có diện tích tự nhiên và quy mô dân số không đạt tiêu chuẩn theo quy định.

Tuy nhiên, tỉnh Quảng Trị đề nghị chưa sắp xếp đối với 2 đơn vị này vì các yếu tố đặc thù về truyền thống lịch sử, vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, cộng đồng dân cư, yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế xã hội.

Như thị xã Quảng Trị, UBND tỉnh Quảng Trị đề nghị xem xét chuyển thị xã Quảng Trị sang sắp xếp trong giai đoạn sau năm 2030 đồng thời với việc thành lập thị xã Hải Lăng theo Quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Lý do đề nghị sắp xếp trong giai đoạn sau, là bởi thị xã Quảng Trị có yếu tố đặc thù về lịch sử hình thành, lịch sử truyền thống cách mạng, đặc biệt di tích Thành cổ Quảng Trị đã được công nhận là Di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia đặc biệt quan trọng. Nơi này đã trở thành điểm hẹn truyền thống của mọi thế hệ cựu chiến binh, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân khắp mọi miền của Tổ quốc với hàng trăm ngàn lượt người đến tham quan hàng năm. Vì vậy, các phương án sắp xếp đối với thị xã Quảng Trị gặp khó khăn.

“Tỉnh Quảng Trị đã quyết tâm, nỗ lực xây dựng nhiều phương án sắp xếp đối với thị xã Quảng Trị, nhưng các phương án đều không bảo đảm tính khả thi. Do đó, đề xuất cho chuyển sang sắp xếp trong giai đoạn sau cùng với việc thành lập thị xã Hải Lăng theo quy hoạch tỉnh” – ông Ngô Quang Chiến cho biết.

Trong giai đoạn 2019-2021, tỉnh Quảng Trị tiến hành sắp xếp 24 xã, thị trấn. Sau khi sắp xếp, tỉnh này còn 125 xã, giảm 16 xã và sắp xếp, tinh giảm gần 500 cán bộ, công chức cấp xã dôi dư sau khi sắp xếp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn