MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công trình hạ tầng Quảng trường Thái Bình là 1 trong 4 công trình chính thuộc dự án đầu tư xây dựng Quảng trường Thái Bình - xây dựng tượng đài “Bác Hồ với nông dân” (giai đoạn 1). Ảnh: Bá Dương

Quảng trường Thái Bình: Sai sót kỹ thuật, 2 năm chưa thể nghiệm thu

TRUNG DU LDO | 05/04/2023 09:43

Công trình hạ tầng Quảng trường Thái Bình có vốn đầu tư hàng trăm tỉ đồng dù đã thi công xong từ năm 2020, nhưng đến nay vẫn chưa thể nghiệm thu, bàn giao và chính thức đưa vào vận hành, sử dụng.

Tuy nhiên mới đây, Sở Xây dựng Thái Bình đã tham mưu, báo cáo UBND tỉnh Thái Bình chỉ đạo về chủ trương, cho phép chấp thuận hiện trạng công trình hạ tầng Quảng trường Thái Bình để chủ đầu tư tổ chức nghiệm thu theo thực địa, đảm bảo nguyên tắc không làm thất thoát vốn đầu tư của Nhà nước...

Công trình hàng trăm tỉ, hoàn công hơn 2 năm chưa thể nghiệm thu

Năm 2013, UBND tỉnh Thái Bình giao UBND TP Thái Bình làm chủ đầu tư Dự án đầu tư xây dựng Quảng trường Thái Bình - xây dựng tượng đài “Bác Hồ với nông dân” (giai đoạn 1) tại phường Hoàng Diệu.

Công trình hạ tầng Quảng trường Thái Bình là 1 trong 4 công trình thuộc dự án nói trên được UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt từ năm 2014, với tổng mức đầu tư hàng trăm tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước và vốn huy động hợp pháp khác. 

Đơn vị quản lý dự án và giám sát là Ban Quản lý dự án Xây dựng cơ sở hạ tầng TP Thái Bình. Đơn vị thi công xây dựng là Công ty TNHH Lâm Linh.

Theo đại diện chủ đầu tư, gói thầu xây dựng công trình Hạ tầng Quảng trường được triển khai thi công xây dựng từ tháng 12.2014, đến tháng 11.2020 mới hoàn thành do phải chờ công trình Tượng đài “Bác Hồ với nông dân” thi công xong để thi công phần sân lễ đài.

Ngày 27.3.2023, Sở Xây dựng Thái Bình có báo cáo số 52/BC-SXD trình UBND tỉnh Thái Bình về việc nghiệm thu, qua đó hé lộ nguyên nhân khiến công trình dù đã hoàn công hơn 2 năm nhưng chưa thể nghiệm thu, bàn giao.

Kết quả kiểm tra của đơn vị tư vấn kiểm tra nghiệm thu cho thấy, công trình còn một số tồn tại chính yếu so với hồ sơ thiết kế. Cụ thể, một số hạng mục thuộc công trình thực tế thấp hơn so với cao độ thiết kế từ 7 - 25 cm, như hạng mục giao thông, san lấp, nhà điều hành, khu chòi nghỉ. Về các lớp kết cấu mặt đường, nền đường: Lớp cát đen san lấp nền đường và vỉa hè có chiều dày giảm so với thiết kế trung bình 10 cm...

Theo đánh giá, những tồn tại trên khó có thể khắc phục được, hay nói cách khác là việc khắc phục không khả thi.

Ai phải chịu trách nhiệm?

Theo báo cáo, để xảy ra loạt sai phạm, tồn tại nói trên, UBND TP Thái Bình với vai trò là đơn vị chủ đầu tư phải nghiêm túc rút kinh nghiệm, đồng thời phải yêu cầu Ban Quản lý dự án Xây dựng cơ sở hạ tầng thành phố nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm tập thể, cá nhân có liên quan khi thực hiện nhiệm vụ chức trách được UBND TP Thái Bình giao.

Ban Quản lý dự án Xây dựng cơ sở hạ tầng TP Thái Bình với vai trò là đơn vị trực tiếp thực hiện quản lý dự án và giám sát công trình phải nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm với tập thể, cá nhân có liên quan; xem đây là bài học về công tác kiểm tra, giám sát trong thi công xây dựng phải được thường xuyên quan tâm, chú trọng để thực hiện tốt hơn khi triển khai các dự án khác.

Đơn vị thi công công trình là Công ty TNHH Lâm Linh phải nghiêm túc rút kinh nghiệm, chấp nhận việc xử phạt hành chính theo quy định và chịu trách nhiệm về các sai sót trong quá trình thi công. 

Công ty TNHH Lâm Linh đồng thời không được thanh toán phần khối lượng do thi công thiếu cao độ của gói thầu; phải tự nguyện thanh toán chi phí tư vấn kiểm tra công trình (phần bổ sung) và chi phí kiểm tra tính toán tiêu thoát nước mà không kèm theo bất cứ điều kiện gì.

Liên quan đến sự việc này, sáng 4.4, trao đổi với PV Lao Động, lãnh đạo Sở Xây dựng Thái Bình cho biết, đã trình báo cáo sự việc và vẫn đang đợi kết luận chỉ đạo, cho ý kiến từ phía lãnh đạo UBND tỉnh.

Còn về phía đại diện chủ đầu tư, ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND TP Thái Bình - cho biết, UBND TP Thái Bình đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án Xây dựng cơ sở hạ tầng thành phố nghiêm túc rút kinh nghiệm, kiểm điểm đối với những tồn tại trong quá trình quản lý, giám sát thi công; đồng thời yêu cầu đơn vị thi công khắc phục, sửa chữa xong các hạng mục, chi tiết có thể khắc phục.

"Kết quả kiểm tra khảo sát thực tế cho thấy, hiện trạng các công trình không có nguy cơ gây mất an toàn trong quá trình khai thác sử dụng, đảm bảo tiêu thoát nước.

Tuy chưa chính thức đưa vào sử dụng nhưng đến thời điểm hiện tại, công trình chưa thấy xuất hiện các biểu hiện lớn về việc xuống cấp hay giảm chất lượng hoặc có khả năng gây nguy hiểm trong quá trình khai thác, sử dụng. Do đó, chúng tôi cũng rất mong muốn công trình sớm được nghiệm thu để phát huy hiệu quả đầu tư, phục vụ nhu cầu của nhân dân" - ông Tuấn cho biết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn