MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sau mấy chục năm làm kinh tế mới, Eatrul vẫn là một vùng quê chưa giàu.

Quay về cố xứ

Khánh Tường LDO | 21/02/2018 13:00

Tây Nguyên từng là "đất hứa" của hàng nghìn gia đình Quảng Nam một thời không xa. Và sau mấy chục năm, một bộ phận những di dân ngày nào đã và đang tìm đường quay về cố xứ bởi "đi đâu cũng không bằng quê mình"...

Tình cờ đụng phải anh Lê Văn Mai trong một quán cà phê ở Hội An, hỏi "anh về quê lúc nào?". Anh Mai cười nói "về từ cách đây 2 năm". Ngạc nhiên hỏi "từ cách đây 2 năm là sao?", anh lại cười "anh dọn hẳn cả nhà về quê luôn rồi em". Thế là chuyện quay về một buổi tối cách đây 3 năm ở xã Eatrul (huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk); ngồi uống rượu ở sân nhà anh - một căn nhà ván khá khiêm tốn so với người dân trong vùng.

Hồi ức về những cánh rừng

Nhớ lúc anh Mai ngà ngà say, khoát tay một vòng về phía khu đất trống rộng mênh mông phía sau nhà mình, bảo "hồi anh mới ngoài quê vô đây dựng nhà, chỗ đó, chỗ đó, chỗ đó nữa... là những cánh rừng, cây thân to hai ba người ôm. Còn ngoài kia, ngoài kia, ngoài kia..." - anh Hoàng chỉ tay về những khu đất ruộng, đồi trọc xa xa hút tầm mắt - "cũng toàn rừng, rừng và rừng".

Anh Mai nguyên quán Cẩm Kim (Hội An, Quảng Nam), theo ba mẹ đi "lập nghiệp" vào xã Eatrul (huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk) từ những năm 80 của thế kỷ trước - thời mà cả nước còn ăn bo bo và cơm trộn sắn lát. "Năm đó tôi đã ngoài 20 tuổi nhưng là lần đầu tiên trong đời thấy và biết một cách tường tận thế nào là một khu rừng" - anh Hoàng nhớ lại. Eatrul thời đó đất đai bát ngát, đại ngàn vô tận. "Những di dân đầu tiên như chúng tôi từ Quảng Nam vào đây, chính quyền chỉ cấp một nhân khẩu mấy chục ký lương thực, còn lại đời sống đều dựa vào rừng...".

"Việc đầu tiên" - anh Mai nhớ lại - "chúng tôi đốn hạ cây xẻ ván dựng nhà, đóng bàn ghế, làm củi đốt... Hồi mới vào nhà tôi có nghề nung gạch. Tôi nhớ mỗi ngày, ước tính là gạch nhà tôi ngốn cũng phải cả mấy tấn củi khô. Và việc này kéo dài cho đến khoảng cách đây 20 năm. Dần dà, cùng với sự gia tăng dân số và các đơn vị lâm nghiệp, những cánh rừng dần thành đồi trọc, thành rẫy, thành những khu ruộng lúa nước. Hồi đó heo rừng, hươu, nai, sóc, nhím... săn bắt xẻ thịt. Ăn tươi không hết thì phơi khô. Rồi cá dưới sông Krông Ana ngoài kia...".

Anh Mai bất ngờ dừng lại, mắt sáng lên. "Bây giờ thì đã thành một con suối cạn đáy đến mức có thể lội qua được nhưng ngày xưa nước ngập bờ phải qua lại bằng thuyền. Tôm cá phong phú về chủng loại và nhiều đến mức suốt bao nhiêu năm chúng tôi vẫn cứ nghĩ đó là lộc trời ban cho những di dân xa xứ. Chỉ cần đặt xuống cái nơm, mành lưới, nửa tiếng sau là đủ cho cả nhà gần chục người ăn mấy ngày không hết".

 
Và những người đến sau ngày càng nhiều hơn. Theo thời gian họ sinh con đẻ cái, dựng vợ gả chồng đến thế hệ thứ 2 rồi thứ 3 nên nhu cầu cuộc sống tăng lên với cấp số nhân. Để rồi từ một nhóm vài chục người ban đầu, sau mấy chục năm, Eatrul đã là một xã lớn của huyện Krông Bông với hơn 300 hộ dân. Mà ở Đắk Lắk, đâu chỉ có mấy chục hộ dân từ Cẩm Kim của Hội An chọn làm vùng "kinh tế mới"!

Cuộc nhậu tối hôm đó, anh Mai cùng những người bạn của mình đã "dựng lại" một giai đoạn lịch sử của Eatrul theo một cách sinh động nhất. Tôi thắc mắc: nhưng Eatrul chỉ là đất bùn pha cát như ngoài quê mình (chỉ trồng được lúa, bắp, hoa màu...) chứ không phải là đất đỏ bazan (trồng được cà phê và nhiều loại cây lâu năm khác). Hồi đó sao bà con mình lại chọn định cư chỗ này mà không chọn vùng đất đỏ như nhiều di dân khác? Anh Mai bỗng cười buồn: "Hồi đó cùng đi với anh, ai cũng vợ con đùm đề, lại trong cảnh đói ăn triền miên. Anh và các gia đình chọn nơi gần sông suối, thổ nhưỡng tương đồng với ngoài quê để thả xuống dây khoai, thân sắn... nhằm có cái mà ăn ngay ngày ba bữa. Hồi đó cha con anh đã nhiều lần đi khảo sát những vùng đất đỏ lân cận, cũng mấy lần định chuyển nhưng thú thật là hồi đó không biết làm gì với loại đất đó nên thôi".

Trở về chốn xưa

Bây giờ đang là mùa khô ở Tây Nguyên. Và câu chuyện thời sự ở Eatrul ngày này là những giếng nước cạn khô, dòng Krông Ana trơ đáy có thể lội bộ từ bên này sang bên kia. Hôm tôi đến, anh Ngọc - người dân ở Eatrul đang đánh một xe cày chở hai bồn nhựa dùng chứa nước ngọt ngoặt ra ngoài cổng.

"Vào nhà đợi anh tí, tranh thủ đi xin nước chứ chậm tí nữa là người ta xin hết". Chị Lan - vợ anh Ngọc nói "tháng trước giếng của bà chị ở cách nhà khoảng 5km còn có nước để mà xin. Nhưng đến hôm kia thì giếng đã trơ đáy, nên hai hôm nay phải đến nhà một bà chị khác ở xa hơn nhưng chỉ là đi cầu may".

Trong nhà là thế, ngoài trời cũng không khá hơn. Năm nay ruộng mía, bắp, lúa... sắp đến ngày thu hoạch ngả nghiêng, xơ xác vì không đủ nước. "Không như ngày xưa, bây giờ ở đây làm nông chẳng khác gì đánh bạc với ông trời" - anh Ngọc thở dài khi dẫn tôi đi thăm ruộng lúa nhà mình. Thơ thẩn một lúc, anh Ngọc lại nói "đã thế năm nào trời cũng hành một, có khi hai trận lụt lớn". Tôi gần như không tin vào tai mình: "Tây Nguyên mà cũng có lụt!".

Anh Ngọc cười: "Đúng ra Tây Nguyên không lụt, nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, không hiểu vì răng cứ lâu lâu ở đây lại có trận lụt lớn, như năm ngoái mấy chỗ thấp trũng, nước lên tận nóc nhà, còn ngâm đến mấy ngày mới rút. Tình cảnh cũng không khác gì ngoài Trung mình".

 
Ông già tên Xứ, nãy giờ cắt cỏ cho bò bên cạnh nghe anh Ngọc nói không hiểu vì răng bây giờ lại lụt bỗng dưng nổi cáu. Nói "vì răng à? Vì mình chặt phá, đốn hạ hết cánh rừng này đến cánh rừng khác chớ răng nữa. Vì răng à? Vì ngày xưa còn rừng nên còn thảm thực vật, mưa xuống thảm thực vật thấm nước, hút nước nên phải mấy ngày sau nước trên núi mới đổ xuống. Giờ quanh đây bán kính 50km, chỗ nào cũng thấy toàn đồi núi trọc nên mưa một cái là trên núi chảy thẳng xuống đây, vài tiếng sau nước sông dâng lên gây ngập lụt chớ răng nữa".

Người Tây Nguyên trong hình dung của số đông là một vùng đất phồn vinh kiểu ra đường là đụng phải những tỷ phú cà phê, tiêu, cao su... cùng những giai thoại về ăn chơi và tiêu tiền kiểu công tử Bạc Liêu một thời. Nhưng cũng có rất nhiều Tây Nguyên khác, ví như xã Eatrul và rộng hơn là cả huyện Krông Bông, nơi bây giờ người dân không còn nguồn thu nhập nào khác ngoài việc đánh bạc với ông trời bằng những ruộng mía, bắp, lúa... lâu lâu lại hạn hán giữa mùa mưa và lâu lâu lại nước lụt ngập nóc nhà. Eatrul và rất nhiều Eatrul khác ở Tây Nguyên mà tôi đi qua, một thời là đất hứa, là nguồn sống mới của những di dân đến từ Quảng Nam và khắp mọi miền đất nước.

Và nhiều người không đủ kiên nhẫn đã lần lượt rời bỏ vùng đất hứa ngày xưa, rời bỏ quê hương thứ hai, thậm chí là nơi chôn rau cắt rốn đối với những thế hệ thứ 2, thứ 3, để quay về quê cũ nhằm tìm kiếm một cuộc sống khả dĩ hơn. "Anh về đây cũng làm thuê cho người ta thôi, nhưng dù sao ở Hội An, với số khách du lịch ngày càng đông bây giờ cũng dễ thở, dễ kiếm tiền hơn trong đó" - anh Lê Văn Mai tâm sự khi cà phê cùng tôi ở Hội An. Tôi không có thống kê đầy đủ ở toàn vùng Tây Nguyên. Chỉ biết ở Eatrul, hiện có nhiều gia đình chia nhau "khép cửa nhà", nửa lo ruộng vườn, nửa quay về quê làm ăn như anh Hoàng. Và chắc chắn trong tương lai, hiện tượng này này không dừng lại khi Quảng Nam khởi sắc lên với những khu công nghiệp, du lịch, ngày càng nâng cao đời sống nhân dân.

Ông bà nhận xét "nước chảy về chỗ trũng". Cũng đúng một phần bởi Quảng Nam đã lột xác gần như hoàn toàn so với thời anh Mai dắt díu nhau đi "đất hứa" cách đây mấy chục năm. Và sau mấy mươi năm, đời sống "cố xứ" khá lên thì họ lại tính đến việc trở lại tìm nguồn sống. Đó là quy luật muôn đời.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn