MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Quỹ Bảo hiểm y tế đã chi trả, giúp gia đình bệnh nhân bớt khó khăn. Ảnh: H.A

Quỹ Bảo hiểm y tế: Quản lý và sử dụng an toàn, hiệu quả

Hà Anh LDO | 09/07/2020 08:16
Nếu như năm 2014 mới có 2.111 cơ sở khám chữa bệnh (KCB) ký hợp đồng KCB bảo hiểm y tế (BHYT) với cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) thì đến tháng 6.2020, số cơ sở KCB BHYT là 2.571, tăng 22% so với năm 2014. Đặc biệt, số cơ sở KCB tư nhân ký hợp đồng KCB BHYT đã tăng gần gấp đôi.

Hơn 18.000 dịch vụ kỹ thuật y tế được Quỹ BHYT chi trả

Cơ hội tiếp cận với dịch vụ KCB BHYT ngày càng mở rộng, số lượt KCB BHYT được quỹ BHYT thanh toán cũng tăng mạnh. Nếu như năm 2009 mới có 92,1 triệu lượt KCB BHYT thì đến năm 2019, số lượt người đi KCB BHYT đã tăng gần gấp hai lần với 186 triệu lượt. Số chi khám bệnh, chữa bệnh từ quỹ BHYT cũng ngày càng tăng, từ 15,5 nghìn tỉ (tương đương 970 triệu USD) của năm 2009 lên đến hơn 100.000 tỉ đồng (tương đương khoảng 4 tỉ USD) của năm 2019. 

Hơn 18.000 dịch vụ kỹ thuật y tế bao gồm cả những dịch vụ kỹ thuật cao chi phí lớn như can thiệp tim mạch, phẫu thuật tim mạch, phẫu thuật nội soi, MRI, CT, PET-CT…; trên 1.000 hoạt chất, sinh phẩm tân dược và hàng trăm vị thuốc đông y, thuốc từ dược liệu bao gồm cả các thuốc tim mạch, điều trị ung thư đắt tiền…; hàng nghìn loại vật tư y tế bao gồm cả vật tư y tế thay thế như máy tạo nhịp tim, stent mạch vành, khớp nhân tạo… Do đó, phạm vi quyền lợi về BHYT của Việt Nam được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá là rộng rãi so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.

Chính sách BHYT đã góp phần giảm chi trực tiếp từ tiền túi hộ gia đình cho dịch vụ y tế, góp phần tạo nên sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe, đặc biệt đối với nhóm người yếu thế trong xã hội như người nghèo, cận nghèo, người khuyết tật, người thuộc đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ em dưới 6 tuổi. Nhiều trường hợp đã được quỹ BHYT chi trả chi phí KCB BHYT trong năm lên đến hàng tỉ đồng.

Địa phương cùng quản lý Quỹ KCB BHYT

Do mức đóng BHYT còn thấp, phương thức thanh toán chi phí KCB BHYT hiện nay chủ yếu theo phí dịch vụ, cùng với sự chuyển đổi sang cơ chế tài chính tự chủ của các bệnh viện công lập, chính sách giá dịch vụ y tế liên tục điều chỉnh tăng... thiếu các công cụ, chế tài kiểm soát tình trạng lạm dụng... dẫn đến chi phí KCB BHYT ngày càng gia tăng khiến cho việc bảo đảm cân đối quỹ BHYT trở nên khó khăn. 

Phó TGĐ BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn cho biết, để đảm bảo nguồn kinh phí KCB BHYT được sử dụng công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả, đảm bảo tính khách quan; gắn thực hiện nhiệm vụ thu, chi, giải quyết chính sách, quản lý quỹ và phát triển đối tượng tham gia BHYT, từ năm 2018, BHXH Việt Nam đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định giao dự toán chi KCB BHYT đến từng địa phương. Đây là biện pháp góp phần tháo gỡ vướng mắc trong bối cảnh hầu hết các tỉnh bị bội chi quỹ KCB BHYT do điều chỉnh giá dịch vụ y tế và mở rộng phạm vi quyền lợi của người tham gia BHYT. Việc hướng dẫn các địa phương phân bổ và điều hành dự toán hằng năm cũng được chú trọng; đồng thời, thường xuyên theo dõi, đánh giá việc triển khai thực hiện dự toán, tổng hợp dữ liệu giao dự toán KCB BHYT toàn quốc đến các cơ sở KCB nhằm nâng cao hiệu quả kiểm soát chi phí KCB BHYT. 

Việc Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định giao dự toán chi KCB BHYT đến từng địa phương đã đưa chính quyền địa phương chung tay cùng ngành BHXH quản lý và sử dụng hiệu quả quỹ KCB BHYT, đồng thời vẫn bảo đảm quyền lợi cho người tham gia BHYT.

Năm 2018, số thu từ đối tượng tham gia BHYT là 93.318 tỉ đồng, tổng số thu BHYT so với kế hoạch được giao đạt 105,8%. Tổng số chi KCB BHYT là 95.081 tỉ đồng, bằng 104,3% so với dự toán Chính phủ giao. Năm 2019, số thu (ước tính) từ đối tượng tham gia BHYT là 104.807 tỉ đồng; tổng số chi KCB BHYT ước là 104.443 tỉ đồng, ước tính vẫn đảm bảo cân đối thu - chi trong năm, không phải sử dụng đến nguồn quỹ dự phòng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn