MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phòng trọ của công nhân tại Hà Nội. Ảnh: Hải Nguyễn

Quy định diện tích để đăng ký thường trú ở Hà Nội: Cần lộ trình áp dụng từng bước

HOÀI ANH LDO | 27/03/2023 07:20

Các chuyên gia cho rằng, Hà Nội cần có lộ trình cụ thể trước khi quy định diện tích tối thiểu để đăng ký thường trú, giúp người dân có sự chuẩn bị, tránh xáo trộn.

Người thuê nhà lo lắng

Sau khi đọc được thông tin về dự thảo quy định diện tích tối thiểu 15 m2, mới được đăng ký thường trú ở nội thành Hà Nội, chị Phạm Phương Mai (25 tuổi, quê Nghệ An) có phần lo lắng. Mai cho biết, chị và chồng sắp cưới hiện tìm hiểu những căn chung cư mini với diện tích từ 25-30 m2, mức giá khoảng 4,5 triệu đồng/tháng ở quận Cầu Giấy để thuê. Với tổng thu nhập khoảng 22 triệu đồng/tháng, họ không có khả năng chi trả cho căn phòng có diện tích rộng hơn. Quá trình tìm thuê phòng, Phương Mai nhận thấy giá phòng ở nội đô Hà Nội hiện tăng cao, chưa có xu hướng hạ nhiệt. Phương Mai cũng thắc mắc, trong trường hợp cô sinh con thứ 2, gia đình cô liệu có phải tiếp tục chuyển nhà mới và nhờ chính quyền đến đo lại diện tích.

Chị Lương Thu Trà (35 tuổi, quê Thanh Hóa) thì cho biết, gia đình chị (gồm 2 vợ chồng và 2 con) đang thuê căn phòng 30 m2 tại Việt Hưng, Long Biên với giá 3,2 triệu đồng/tháng. Dù 2 vợ chồng đều làm việc tại quận Ba Đình, họ vẫn thuê nhà tại Long Biên để giảm thiểu chi phí, có một khoản tiết kiệm để mua nhà trong thời gian sớm nhất. “Bây giờ nếu phải thuê căn phòng rộng 60 m2, cộng thêm các khoản chi tiêu hàng ngày, không biết đến bao giờ chúng tôi mới đủ tiền để mua nhà ở Hà Nội” - chị Trà nói. 

Cần có lộ trình cụ thể

Hà Nội đang lấy ý kiến đóng góp về Dự thảo Nghị quyết quy định về diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ.

Theo nội dung dự thảo của UBND TP Hà Nội, diện tích nhà ở tối thiểu khi giải quyết đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp đối với khu vực nội thành là 15 m2/ người (gồm 12 quận); đối với khu vực ngoại thành là 8 m2/người (gồm 18 huyện, thị xã). Diện tích nhà ở tối thiểu là diện tích được tính theo m2 sàn nhà cho một người thuê, mượn, ở nhờ.

TS Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) - cho biết, quy định này giúp đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng đô thị. Tuy nhiên, nếu áp dụng ngay, sẽ gây ra rất nhiều hệ luỵ, ảnh hưởng đến nhiều đối tượng, đặc biệt là người đi thuê và những người cho thuê nhà. 

TS Đính phân tích, trước đây khi chưa có quy định, các chủ nhà có thể cho thuê phòng tùy ý theo nhu cầu của khách hàng. Tuy nhiên nếu áp dụng quy định 15 m2/ người, những căn phòng đó có thể không còn phù hợp hoặc khó cho thuê (ví dụ những căn phòng 25 m2 sẽ không thể cho 2 người thuê, căn phòng 40 m2 sẽ không phải sự lựa chọn của một gia đình 3 người,...). 

Những người cho thuê nhà phải bỏ ra khoản chi phí để chỉnh sửa phòng cho phù hợp với nhu cầu của xã hội. Từ đó, giá phòng có thể bị kéo theo, tăng cao.

“Việc áp dụng những quy định về diện tích như dự thảo của thành phố là cần thiết, nhưng cần có lộ trình cụ thể” - TS Đính nhận định. 

ThS Nguyễn Văn Đỉnh - chuyên gia pháp lý về bất động sản cho hay, theo quy định của Luật Cư trú số 68/2020/QH14, công dân được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ khi đáp ứng các điều kiện, trong đó bảo đảm điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định nhưng không thấp hơn 8 m2 sàn/người. Việc Hà Nội đưa ra dự thảo quy định với khu vực ngoại thành Hà Nội là 8 m2/người (gồm 18 huyện, thị xã) là dựa trên quy định này.

Liên quan đến con số 15 m2/ người ở nội thành, theo ThS Đỉnh, dưới góc độ pháp lý, việc đưa ra hạn mức tối thiểu là cần thiết đối với khu vực đô thị của Hà Nội. “Hiện nay có sự xung đột giữa số lượng và chất lượng. Nếu Hà Nội cho phép mở rộng các tiêu chí để đăng kí thường trú, số lượng người nhập cư vào Hà Nội sẽ rất đông, điều đó dẫn đến chất lượng sống của người dân bị hạn chế: tắc đường, kẹt xe, chen chân vào trường công lập,...” - ThS Đỉnh phân tích. 

ThS Đỉnh cho rằng, để đảm bảo tính hiệu quả, khả thi của chính sách, Hà Nội cần thực hiện đầy đủ quy trình của Luật ban hành quy phạm pháp luật, gồm đánh giá đầy đủ tác động của chính sách đối với đối tượng chịu tác động.

Cụ thể, cần có nghiên cứu, đánh giá dựa trên các số liệu thống kê, kiểm kê về hiện trạng những người nhập cư có diện tích trung bình là bao nhiêu m2, mức thu nhập trung bình và khả năng chi trả cho việc thuê nhà, đồng thời đối chiếu với giá thuê nhà trung bình tại khu vực nội thành hiện tại để đi đến quy định diện tích nào thì người dân có thể đáp ứng được.

Chuyên gia cũng gợi ý, thành phố có thể lên lộ trình áp dụng từng bước, có thể áp dụng mức 10 m2 sàn/người, sau đó nâng dần lên qua các năm để người dân có sự chuẩn bị, tránh xáo trộn, đặc biệt với nhóm người nhập cư hiện hữu đã và đang có nhu cầu đăng ký thường trú.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn