MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ước tính khi thực hiện quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sẽ có khoảng 1.500 hộ dân phải di dời để bảo đảm an toàn phòng chống lũ. Ảnh: Hương Ánh

Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng: Hàng nghìn hộ dân có phải di dời?

CAO NGUYÊN LDO | 13/03/2021 09:39

Dự kiến quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng trong tháng 6.2021 cơ bản được phê duyệt xong. Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, đồ án lần này được các chuyên gia hàng đầu về quy hoạch mà Thành ủy Hà Nội tham vấn nhận định là tốt nhất từ trước đến nay. Nếu được phê duyệt, quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng tỉ lệ 1/5000 sẽ trải dài đoạn sông Hồng dài 40 km (từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở) với quy mô diện tích 11.000 ha, dân số khoảng 280.000 đến 320.000 người. Trong đó, 1.500 hộ dân có thể phải di dời.

Dân số theo quy hoạch khoảng 280.000 - 320.000 người

Theo dự thảo đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đang được lấy ý kiến các đơn vị liên quan để hoàn thiện, quy hoạch này trải dài 40 km, từ cầu Hồng Hà (huyện Đan Phượng) đến cầu Mễ Sở (Thường Tín).

Phân khu đô thị sông Hồng bao phủ diện tích 11.000 ha thuộc địa giới 13 quận huyện (55 phường xã) gồm: Đan Phượng, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Trì, Thường Tín, Mê Linh, Đông Anh, Long Biên, Gia Lâm. Dân số theo quy hoạch khoảng 280.000 - 320.000 người (hiện trạng khoảng 235.000 người).

Đồ án cũng nêu rõ, hiện nay, đất bãi trong khu vực quy hoạch chiếm khoảng 5.480 ha (tương đương 50% tổng diện tích), chủ yếu trồng rau, hoa, cây cảnh và đất chưa sử dụng. Khu vực đã xây dựng rộng 1.190 ha (chiếm 11% tổng diện tích). Phần sông Hồng có diện tích 3.600 ha (chiếm 33% tổng diện tích).

TP.Hà Nội định hướng 5 bãi sông (Thượng Cát - Liên Mạc, Hoàng Mai - Thanh Trì, Chu Phan - Tráng Việt, Đông Dư - Bát Tràng, Kim Lan - Văn Đức) được nghiên cứu xây dựng với tỉ lệ 5%, tương đương 1.590ha. Còn bãi Tàm Xá - Xuân Canh được phép xây dựng tỉ lệ 15%, tức khoảng 408ha.

Cụ thể, bãi sông được nghiên cứu theo phương án xây khu đô thị mới hiện đại, khu nhà ở sinh thái, công trình công cộng. Khu vực bãi sông còn lại được định hướng phát triển không gian mở với loại hình công viên - quảng trường đô thị, công viên ngập lũ, phục hồi tự nhiên và không gian sinh thái nông nghiệp.

Khu dân cư tập trung được tồn tại có diện tích khoảng 1.165ha sẽ được cải tạo chỉnh trang, tái thiết và được mở rộng 5% diện tích dân cư hiện có khoảng 60ha để bổ sung hạ tầng xã hội và xây dựng các khu nhà ở phục vụ, giãn dân, tái định cư tại chỗ.

TP.Hà Nội dự kiến trong tháng 6.2021 sẽ cơ bản phê duyệt xong quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng. Sau khi quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được phê duyệt, sẽ là cơ sở để chính quyền địa phương triển khai các quy hoạch chi tiết, các dự án cụ thể và là cơ sở để cấp phép xây dựng giúp cho người dân ổn định cuộc sống. Sẽ có khoảng 1.500 hộ dân phải di dời để bảo đảm an toàn phòng chống lũ.

Khó khăn khi có quy hoạch cụ thể

Trao đổi với Lao Động, KTS Lưu Quang Huy - Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội - cho biết chưa thể nói được con số cụ thể về việc di dời liên quan quy hoạch này. Việc di dời dân phải tuân thủ theo Quyết định 257 của Thủ tướng năm 2016 phê duyệt quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình. Ở khu vực nào nguy hiểm thì phải thực hiện theo. Nếu chỗ nào đánh giá mức độ nguy hiểm chưa cao mà người dân sống ổn định lâu thì tạo điều kiện để giữ lại.

“Phía đơn vị cũng đánh giá sẽ khó khăn sau này khi phân vùng, quy hoạch cụ thể. Tuy nhiên, việc di dân là trách nhiệm của chính quyền địa phương” - ông Huy nói và cho biết thêm trong quá trình làm đồ án, phía Viện quy hoạch của thành phố cũng có kiến nghị giữ lại một số khu vực. Còn để giữ lại được người dân hay không phải xin ý kiến Bộ NNPTNT xem có đồng thuận không, nếu không đồng thuận thì phải di dời.

Cũng theo vị này, các khu dân cư được tồn tại sẽ bố trí thêm hệ thống hạ tầng xã hội phục vụ cho cuộc sống của người dân, ví dụ như hệ thống trường học, nhà văn hóa, trạm y tế… mở thêm một số tuyến đường giao thông nội bộ để người dân đi lại thuận tiện hơn.

Trong khi đó, Tiến sĩ Đào Trọng Tứ - Trưởng ban Điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) - cho biết, hiện nay chưa có quy hoạch chi tiết nên rất khó để nói. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất vẫn là bảo đảm cuộc sống ổn định cho người dân. Còn trong quá trình đã có quy hoạch chi tiết, cơ quan chức năng sẽ xem xét câu chuyện đất lấn chiếm, đất có sổ đỏ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn