MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phân khu nội dộ sẽ giảm ùn tắc ở Hà Nội. Ảnh: TV

Quy hoạch phân khu nội đô lịch sử: Tháo “điểm nghẽn” để phát triển thủ đô

Linh Anh LDO | 27/02/2021 09:00

Thường trực Thành ủy Hà Nội vừa thống nhất về chủ trương đối với cả 6 đồ án quy hoạch phân khu (1/2.000) nội đô lịch sử bao phủ 4 quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng. Đây là bước tiến lớn nhằm hoàn thiện Quy hoạch Hà Nội, tháo những điểm nghẽn nhiều năm để phát triển thủ đô.

Phân khu nội đô lịch sử: Điểm nhấn trong quy hoạch Hà Nội

Cách đây 10 năm, ngày 26.7.2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định 1259/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Mục tiêu của quy hoạch là xây dựng Thủ đô Hà Nội phát triển bền vững, có hệ thống cơ sở hạ tầng xã hội và kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, phát triển hài hòa giữa văn hóa, bảo tồn di sản, di tích lịch sử, với phát triển kinh tế, trong đó chú trọng kinh tế tri thức và bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng an ninh theo hướng liên kết vùng, quốc gia, quốc tế. Xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố “Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, đô thị phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh cao trong nước, khu vực và quốc tế; có môi trường sống, làm việc tốt, sinh hoạt giải trí chất lượng cao và có cơ hội đầu tư thuận lợi.

Quy hoạch cũng xác định: Khu nội đô lịch sử giới hạn từ phía Nam sông Hồng đến đường vành đai 2, là khu vực bảo tồn di sản văn hóa Thăng Long, các giá trị truyền thống của người Hà Nội. Bảo tồn, cải tạo không gian kiến trúc cảnh quan đô thị và tôn vinh văn hóa, lịch sử truyền thống của khu phố cổ, khu phố cũ, Hồ Gươm, Hồ Tây, Thành cổ… Điều chỉnh các chức năng sử dụng đất, di dời các cơ sở sản xuất, cơ sở đào tạo, y tế không phù hợp ra bên ngoài.

Bổ sung hoàn thiện hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, cải tạo chỉnh trang kiến trúc đô thị, cảnh quan, tăng cường cây xanh mặt nước và bảo vệ môi trường sống. Hạn chế phát triển nhà cao tầng và kiểm soát sự gia tăng dân số cơ học, giảm từ 1,2 triệu người xuống khoảng 0,8 triệu người.

Khu Nội đô mở rộng giới hạn từ đường vành đai 2 đến sông Nhuệ, là khu vực phát triển các khu đô thị mới, các trung tâm văn hóa, dịch vụ - thương mại cấp thành phố có chất lượng cao, kiến trúc hiện đại. Hoàn thiện cơ sở hạ tầng đô thị đồng bộ hiện đại, chỉnh trang kiến trúc một số khu dân cư và làng xóm ven đô trong quá trình mở rộng đô thị. Dân số đến năm 2030 khoảng 0,85-0,9 triệu người.

Thực hiện quy hoạch, trong vòng 10 năm, Hà Nội đã có những đổi thay tích cực, thành phố đã chú trọng phát triển đô thị theo hướng bền vững, đô thị thông minh. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các khu đô thị mới, khu nhà ở theo hướng đồng bộ, văn minh, hiện đại, làm thay đổi diện mạo kiến trúc Thủ đô.

Những điểm nghẽn

Tuy nhiên vẫn còn nhiều “điểm nghẽn” khiến sự thay đổi diện mại thủ đô không được như kỳ vọng. Dễ thấy nhất là tình trạng quá tải do sự phát triển quá nóng của các chung cư cao tầng, dẫn đến tắc nghẽn về giao thông. Nguyên nhân được chỉ ra là quy hoạch phân khu tại các quận nội đô chưa có dẫn đến mất cân đối về cơ cấu sử dụng đất. Số lượng nhà ở, đặc biệt là nhà cao tầng phát triển không tương xứng với diện tích đất giao thông nội đô.

Theo Quyết định số 1259 nội đô lịch sử có dân số tính toán là 800.000 người, tổng diện tích khoảng trên 3.800ha, với chỉ tiêu khoảng đất toàn đô thị 100m2/đầu người. Tuy nhiên, theo các báo cáo hiện chỉ tiêu diện tích bình quân đất đô thị trên đầu người tại khu vực này chỉ đạt được khoảng 45m2. Dân số nội đô hiện nay đã lên tới trên 1,3 triệu người. Tình trạng gia tăng dân số làm mất cân đối về cơ cấu sử dụng đất dẫn đến không đảm bảo về sự phát triển cân bằng giao thông nội đô.

Các chuyên gia đô thị đánh giá: Nếu theo hiện trạng cơ cấu sử dụng và tổng số lượng quỹ đất hữu hạn như trên thì khi xu hướng tăng diện tích đất ở tại 4 quận nội đô hiện nay sẽ kéo tụt diện tích đất dành cho công trình hạ tầng gây nên cơ cấu sử dụng đất mất cân đối nghiêm trọng. Việc suy giảm quỹ đất hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội dẫn đến các hiện tượng trông thấy như ách tắc giao thông, thiếu sân chơi, công viên...

Trong một cuộc trao đổi với Báo Lao Động, khi nói về chuyện cao ốc bóp nghẹt nội đô, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Trần Ngọc Chính cho rằng, trong quy hoạch Hà Nội, những người làm chuyên môn đã xác định việc đầu tiên cần làm là di dời một số nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, bệnh viện… ra khỏi nội đô.

Những khu đất phải giải phóng, về nguyên tắc là để làm không gian cây xanh, mặt nước, các công trình dịch vụ công cộng phục vụ lợi ích cộng đồng. Ông Chính phân tích, khi nguyên tắc này được xác định, đáng ra, các thành phố phải lập ngay quy hoạch chi tiết với từng miếng đất, lô đất như vậy sẽ làm gì và đưa ra xin ý kiến cộng đồng dân cư, để người dân biết, quyết định trên cơ sở phục vụ cộng đồng.

Còn nhớ năm 2016, khi Hà Nội ban hành Quyết định số 11/2016 về Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử của thành phố Hà Nội. Tại Quyết định trên, Chủ tịch UBND Hà Nội đã chỉ đạo việc được phép nghiên cứu xây nhà cao tầng tại một số vị trí nhất định như: các vị trí hai bên đường vành đai; tuyến phố hướng tâm, tuyến phố chính và các khu vực điểm nhấn đô thị…Đối với một số trường hợp khác nằm ngoài quy định trên, bao gồm nằm ngoài vị trí hoặc vượt quá quy mô, Chủ tịch UBND Hà Nội nêu rõ: “Sẽ do UBND thành phố báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định”.

Ngay sau đó, Thủ tướng đã có văn bản yêu cầu Hà Nội chấn chỉnh lại quy hoạch đô thị, trong đó phải báo cáo làm rõ việc cấp phép xây nhà cao tầng tại khu vực nội đô, có thể gây quá tải về hạ tầng xã hội, giao thông, đặc biệt không được quy định trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ trong quyết định của UBND thành phố Hà Nội.

Tháo “điểm nghẽn” để phát triển thủ đô

Để thực hiện huy hoạch được phê duyệt tại Quyết định 1259 năm 2011, Hà Nội có tổng số 38 đồ án quy hoạch phân khu với tổng diện tích khoảng hơn 76.500ha. Tuy nhiên có 6 đồ án quy hoạch phân khu nội đô lịch sử thuộc địa bàn các quận Hoàn Kiếm gồm H1 - 1 (A,B,C); quận Ba Đình là H1 - 2; quận Đống Đa là H1 - 3; quận Hai Bà Trưng là H1 - 4 chưa được phê duyệt.

Nguyên nhân được chỉ ra là quy hoạch các phân khu đặc biệt này bị trói buộc bởi nhiều quy định, trong đó có những quy định vượt thẩm quyền của thành phố.

Tại hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ hai diễn ra cuối tháng 11.2020, Báo cáo định hướng phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025 của Ban cán sự Đảng UBND TP đã nêu các nhiệm vụ trọng tâm, trong đó, Hà Nội đã nêu định hướng: trong 5 năm 2021-2025, thành phố xác định hoàn thành việc rà soát, tổng hợp quy hoạch để điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Triển khai xây dựng Quy hoạch thành phố Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.

Hoàn thành các quy hoạch phân khu nội đô lịch sử, quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống, các quy hoạch phân khu đô thị vệ tinh; khớp nối đồng bộ quy hoạch nông thôn và khu vực đô thị; xây dựng, bổ sung các quy chế, quy định quản lý quy hoạch kiến trúc đối với các khu vực hành lang xanh, vành đai xanh. Thực hiện triển lãm công bố công khai quy hoạch đối với người dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Ngày 25.2, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã thống nhất về chủ trương đối với cả 6 đồ án quy hoạch phân khu (1/2.000) nội đô lịch sử bao phủ 4 quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng.

Như vậy, sau gần 10 năm chờ đợi, khu vực nội đô lịch sử sẽ có quy hoạch phân khu, làm căn cứ triển khai tổ chức đầu tư, xây dựng và phát triển đô thị, vừa bảo tồn những giá trị văn hóa, lịch sử, vừa thực hiện mục tiêu xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại.

Tại cuộc họp Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn khẳng định, cả 6 đồ án đã đáp ứng đầy đủ yêu cầu theo quy định của pháp luật, cụ thể là phù hợp với toàn bộ quy hoạch cấp trên, các quy định, quy chế quản lý quy hoạch.

Từ đó, Bí thư Thành ủy đề nghị, Ban Cán sự Đảng UBND TP và các sở, ban, ngành tiếp tục phát huy kết quả đạt được sớm hoàn thiện các phần việc còn lại để phê duyệt ban hành các đồ án quy hoạch, tạo cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế, đem lại sinh kế cho người dân.

Việc sớm hoàn thiện để ban hành đồ án quy hoạch phân khu nội đô là một bước tiến lớn nhằm thực hiện các mục tiêu đáp ứng đúng yêu cầu “Thủ đô Hà Nội phát triển bền vững, có hệ thống cơ sở hạ tầng xã hội và kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, phát triển hài hòa giữa văn hóa, bảo tồn di sản, di tích lịch sử, với phát triển kinh tế” mà quy hoạch chung Hà Nội đề ra cách đây 10 năm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn