MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đề án thu phí vỉa hè vừa được Sở Xây dựng Hà Nội dự kiến trình vào quý II/2024 nhằm khai thác hiệu quả, bền vững. Ảnh: Thu Giang

Quý II/2024, Hà Nội dự kiến trình đề án thu phí vỉa hè

THU GIANG LDO | 23/01/2024 08:49

Đề án thu phí vỉa hè được Sở Xây dựng Hà Nội dự kiến trình vào quý II/2024 nhằm khai thác hiệu quả, bền vững. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, lộ trình thu phí vỉa hè cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, cụ thể hóa dựa trên hạ tầng, đô thị có sẵn.

Lộ trình thu phí cần công khai, minh bạch

Trao đổi với PV Lao Động ngày 22.1, chị Nguyễn Thị Xuân (kinh doanh thời trang trên tuyến phố Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm) chia sẻ, chị hoàn toàn ủng hộ khi Hà Nội chuẩn bị có lộ trình thu phí vỉa hè, xem xét để cho các hộ kinh doanh thuê lại một phần diện tích đối diện mặt tiền, địa điểm kinh doanh.

"Tôi rất ủng hộ chủ trương thu phí vỉa hè, lòng đường, tuy nhiên kế hoạch cần được triển khai cụ thể chi tiết. Nhiều hộ kinh doanh như tôi cũng mong muốn việc thu phí diễn ra công khai để người dân dễ dàng nắm bắt, cân nhắc các điều kiện về giá cả và địa điểm" - chị Xuân nói.

Tương tự, anh Nguyễn Văn Long (sinh sống ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) nêu quan điểm, hiện nay, nhiều diện tích vỉa hè, không gian đi bộ đang bị các hộ kinh doanh chiếm dụng làm nơi gửi xe, buôn bán cũng khiến nhiều tuyến đường trở nên nhếch nhác. Anh Long cho rằng, việc cho thuê vỉa hè sẽ phần nào kiểm soát được vấn đề trên, từ đó cân đối, ưu tiên không gian dành cho người đi bộ.

PGS-TS Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII - cũng ủng hộ lộ trình thu phí vỉa hè Hà Nội. Để tránh xung đột lợi ích, theo PGS-TS Bùi Thị An, các cơ quan chức năng cần phân cấp cho các phường xác định đối tượng được thuê vỉa hè, qua đó minh bạch, công khai danh tính người thuê để người dân giám sát.

Hà Nội rục rịch lên lộ trình thu phí vỉa hè

Ông Mạc Đình Minh - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội - mới đây cho biết, đề án thu phí vỉa hè Hà Nội sẽ được Sở Xây dựng dự kiến trình vào quý II/2024. Theo đó, vỉa hè sẽ được khai thác một cách hiệu quả, bền vững và an toàn.

Đơn vị đang xây dựng, hoàn thiện đề án quản lý vỉa hè trên cơ sở 3 nguyên tắc như lòng đường, vỉa hè được sử dụng cho mục đích chính là phục vụ giao thông, hè phố phục vụ chủ yếu cho người đi bộ, kết hợp bố trí hệ thống hạ tầng đô thị theo dọc tuyến, việc sử dụng tạm thời một phần vỉa hè ngoài mục đích phải được cơ quan thẩm quyền cấp phép hoặc chấp thuận sử dụng đúng mục đích, đúng phạm vi cho phép.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội nhấn mạnh, hiện toàn bộ đề án trên đang được dự thảo và lấy ý kiến của thành viên tổ soạn thảo, các quận, huyện.

Thời gian tới, tổ soạn thảo sẽ báo cáo TP Hà Nội và có thông tin cụ thể nội dung đề án, nguyên tắc tổ chức quản lý vỉa hè, lòng đường. Theo Sở Xây dựng Hà Nội, đây là vấn đề rất phức tạp và cần nghiên cứu cụ thể, đề án liên quan từng tuyến phố, từng địa phương, từng quận huyện, trong khi mỗi nơi có tính chất và đặc thù khác nhau.

Trao đổi với Lao Động, KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội - nhận định, việc thu phí vỉa hè cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng, quản lý chặt chẽ vì thường gắn liền với kiến trúc không gian đặc thù của từng tuyến phố, từng đô thị, từ đó đảm bảo hài hòa các lợi ích của những gia đình tiếp cận vỉa hè và người đến thuê vỉa hè.

Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, cơ quan triển khai đề án cần thực hiện, khảo sát lấy ý kiến người dân chứ không nên tự quyết. Đề án cho thuê lòng đường, hè phố tại Hà Nội có thể giúp khai thác hiệu quả tài nguyên thiên nhiên về đất đai, tăng thêm nguồn thu, nhưng cũng sẽ ảnh hưởng đến đời sống của người dân ở một số khu vực, tăng thêm áp lực hạ tầng giao thông đô thị...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn