MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân tại Chí Linh - Hải Dương xếp hàng lấy mẫu xét nghiệm COVID-19. Ảnh: Bộ Y tế cung cấp

Quyết tâm khống chế, kiểm soát các ổ dịch COVID-19

Thùy Linh LDO | 02/02/2021 09:28

Đến nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, dịch có xu hướng lan rộng sang một số tỉnh thành, đặc biệt tại Hà Nội. Quan điểm của Ban Chỉ đạo Quốc gia và Bộ Y tế là tập trung tất cả nguồn lực để kiểm soát tình hình, phát hiện sớm thông qua truy vết và xét nghiệm. Tuy nhiên, để thực hiện được, tất cả chúng ta đều phải đồng lòng.

Làm việc xuyên đêm, Hội đồng chuyên môn thường trực 24/24h

Ngày 1.2, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, ngày 1.2 đã ghi nhận thêm 4 ca dương tính với SARS-CoV-2. Ca 16 và ca 17 thuộc địa bàn huyện Mê Linh, bố và mẹ của ca bệnh 1.725. Ca bệnh thứ 18 là nam sinh năm 1974 (ở Mê Linh- Hà Nội), là F1 của bệnh nhân 1724, là người cùng gia đình. Ca bệnh thứ 19 là nam, sinh năm 1962 (ở Nam Từ Liêm), là F1 của bệnh nhân 1814, vừa từ Hải Dương chuyển nhà lên Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Ông Nguyễn Khắc Hiền - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, ngày 1.2, Hà Nội đã ghi nhận thêm 4 ca bệnh COVID-19. Như vậy đến nay Hà Nội đã có 19 bệnh nhân mắc COVID-19 kể từ khi xuất hiện ổ dịch ở tỉnh Hải Dương và tỉnh Quảng Ninh. Theo ông Hiền, các ca bệnh xác định được đến nay đều tìm được nguồn gốc, khoanh vùng ngay, chưa có ca nào mất dấu F0.

Từ 6h ngày 1.2, Trung tâm Y tế thành phố Hải Dương đã trực tiếp lấy mẫu xét nghiệm đối với những người dân sống xung quanh khu vực có bệnh nhân dương tính với SAR-CoV-2 gồm, Khu dân cư Trần Nội, phường Thạch Khôi, Hải Dương.

Bà Lê Thanh Hường - Trạm trưởng trạm Y tế phường Thạch Khôi, cho biết: “Từ ngày 28.1, chúng tôi gần như túc trực 24/24h tại Trạm Y tế phường nên mọi công tác đều chủ động, nhanh chóng và không gặp quá nhiều khó khăn. Dự kiến, toàn bộ mẫu xét nghiệm sẽ được lấy xong ngay trong ngày hôm 1.2”.

"Sau khi hoàn thành lấy mẫu xét nghiệm, chúng tôi sẽ gấp rút xét nghiệm ngay trong đêm, đồng thời nhờ các viện, bệnh viện Trung ương hỗ trợ để nhanh chóng có kết quả" - BS. Hoàng Thị Thúy (Trưởng khoa xét nghiệm - CDC Hải Dương) thông tin.

Trong suốt những ngày vừa qua, lực lượng CDC Hải Dương gần như xuyên đêm để hoàn thiện quá trình truy vết và lấy mẫu xét nghiệm.

“Ngay sáng sớm ngày 1.2, chúng tôi tiến hành cuộc truy vết, lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 trên toàn địa bàn thị xã Kinh Môn, đặc biệt là các điểm có yếu tố dịch tễ phức tạp. Chúng tôi xác định rõ không có con số tối đa mà chỉ có con số tối thiểu. Tối thiểu trong những ngày tới CDC Hải Dương sẽ quyết tâm xét nghiệm được 5.000 đến 6.000 ca bệnh mỗi ngày”- TS. Hoàng Văn Huỳnh, Phó Giám đốc CDC Hải Dương cho biết.

Trong khi đó, tại Trung tâm chỉ huy của Bộ Y tế tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, lãnh đạo Bộ Y tế, các giáo sư đầu ngành và các thành viên đã hội chẩn trực tuyến với các bệnh viện về tình hình điều trị bệnh nhân COVID-19 và những bệnh nhân nặng. Cùng với hội chẩn, Hội đồng cũng chỉ đạo công tác thu dung điều trị người bệnh COVID-19 tại hai tỉnh Hải Dương và Quảng Ninh.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn và Tổ hội chẩn bệnh nhân COVID-19 nặng đã hội chẩn trực tuyến với các bệnh viện về tình hình điều trị cho 4 bệnh nhân COVID-19 có tổn thương phổi khá nghiêm trọng, mệt, có triệu chứng lâm sàng ở tiêu hóa.

Tại buổi hội chẩn, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn yêu cầu: "Các cơ sở khám chữa bệnh tiếp tục tập trung cho công tác phòng chống dịch, phải làm tốt công tác phân luồng, sàng lọc, cách ly, phát hiện sớm và điều trị hiệu quả. Đối với các bệnh viện ở Hải Dương và Quảng Ninh hiện đang thu dung và điều trị các bệnh nhân COVID-19 phải sẵn sàng cho tình huống có nhiều bệnh nhân nặng để chủ động trong điều trị và xin ý kiến hội đồng chuyên môn thường trực 24/24h".

Quyết tâm khống chế các ổ dịch trong vòng 10 ngày

Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, quan điểm của Ban Chỉ đạo Quốc gia và Bộ Y tế là tập trung tất cả nguồn lực để kiểm soát tình hình, phát hiện sớm thông qua truy vết và xét nghiệm. Tuy nhiên, để thực hiện được, tất cả chúng ta đều phải đồng lòng.

"Bộ Y tế đã xây dựng các tiểu ban, trong đó có tiểu ban hậu cần, bảo đảm từ giờ đến Tết mọi phương tiện, trang thiết bị sẵn sàng, chuẩn bị cho tình huống có 10.000 người nhiễm trong nước. Chúng ta quyết tâm chặn được dịch trong vòng 10 ngày từ 28.1 đến 25 Tết, có thể khống chế, kiểm soát được hai ổ dịch này", Thứ trưởng Sơn nhấn mạnh.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) cho rằng, với sự vào cuộc ngay từ đầu, lực lượng y tế đã sớm xác định ổ dịch tại nơi người dương tính làm việc và lấy mẫu xét nghiệm hàng nghìn công nhân. Sau đó, từ khu vực này, các địa điểm khác được tìm ra.

“Theo tôi, số ca nhiễm không nhiều so với số lượng người được cách ly, lấy mẫu xét nghiệm. Đồng thời, số ca dương tính càng lớn và tăng nhanh chứng tỏ ngành y tế có năng lực xét nghiệm sớm và đã khoanh vùng được khu vực lớn" - BS Khanh nói.

Ngày 1.2, cả nước có thêm 32 ca mới mắc COVID-19 trong cộng đồng

Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, tính đến 18h00 ngày 1.2, Việt Nam có tổng cộng 963 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27.1 đến nay là 270 ca. Ngay trong ngày 1.2, cả nước có thêm 32 ca mới mắc COVID-19 trong cộng đồng, trong đó tại Hải Dương (17 ca), Quảng Ninh (5 ca), Hà Nội (6 ca), Gia Lai (2 ca), Bắc Giang (1 ca), Bình Dương (1 ca) và 1 ca nhập cảnh cách ly ngay tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 26.861, trong đó:

- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 185

- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 20.917

- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 5.759.Lệ Hà

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn