MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Liên quan đến tố cáo ông Nguyễn Mạnh Hiển - Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương - chưa học hết cấp III, sử dụng bằng cấp III của người khác, các thầy cô Trường THPT Ninh Giang, Hải Dương lục tìm hồ sơ lưu trữ tại trường. Ảnh: H.ĐƯỜNG

Rà soát bằng cấp cán bộ có chức quyền: Nên làm, và “quá đơn giản”

HUYÊN NGUYỄN LDO | 28/09/2017 11:54
Sau khi Lao Động (số ra ngày 26.9) đăng tải bài viết: “Cần rà soát bằng cấp của tất cả cán bộ có chức quyền” sau việc sử dụng bằng cấp không đúng quy định, thiếu trung thực của một số cán bộ lãnh đạo. Nhiều ý kiến cho rằng, việc rà soát bằng cấp là để lấy lại niềm tin trong nhân dân vào đội ngũ cán bộ. Lao Động tiếp tục đăng tải ý kiến của một số chuyên gia về vấn đề này.

Từng phát hiện 10.000 bằng giả 1 năm

Đây là con số rất lớn do GS Phạm Minh Hạc - nguyên Bộ trưởng Bộ GDĐT - chia sẻ. Theo GS Phạm Minh Hạc, đã có một cuộc vận động rộng rãi về phát hiện bằng giả từ những năm 2002. Lúc đó, ông Hạc đang là Phó ban thứ nhất của Ban Khoa giáo Trung ương cùng với Bộ trưởng Bộ GDĐT lúc bấy giờ là ông Nguyễn Minh Hiển tại một hội nghị về vấn đề này và đã phát động phong trào chống bằng giả. Riêng năm đầu, đã phát hiện tới 10.000 bằng giả. Hằng năm, việc làm này vẫn được duy trì. Tuy nhiên, việc phát hiện bằng cấp giả không có phong trào sâu rộng như khi đó.

Nguyên Bộ trưởng Bộ GDĐT cho biết: Trong quá khứ, việc này không chỉ xuất hiện ở địa phương mà ngay cả các cơ quan trung ương. Những trường hợp phát hiện bằng giả đều bị xử lý kỷ luật nghiêm túc.

Ông Hạc đánh giá việc phát giác bằng này “quá đơn giản” vấn đề là có làm hay không. “Bất cứ ai vào cơ quan cũng đều phải duyệt lý lịch, bằng cấp rồi đến khi đề bạt, bổ nhiệm chức vụ… qua rất nhiều khâu nên chẳng có gì khó để phát hiện ra. Bên cạnh đó, việc sử dụng bằng cấp giả cũng còn có thể phát hiện thông qua những lời bàn tán, xì xào vì thường việc này sẽ có rất nhiều người biết. Để xảy ra điều này là lỗi, là sai lầm của tổ chức. Đây không thể đổ lỗi do sơ suất bởi đây là những lỗi đã quá rõ ràng. Nguyên nhân có thể là do nể nang hoặc do tiêu cực… nên cố tình bỏ qua” - ông Hạc nhận định.

Nguyên Bộ trưởng Bộ GDĐT cũng đề cập đến hiện tượng nhân viên đi học thay, sếp chỉ nhận bằng đang diễn ra khá phổ biến hiện nay. “Nạn gian dối chính là một thứ bệnh hoạn của xã hội do chính những người có chức, có quyền lực tạo ra” - ông Hạc nhấn mạnh.

Hệ quả của chủ trương coi trọng bằng cấp hơn năng lực thực

Theo PGS-TS Trần Văn Tớp - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa: Với các học viên thông thường, đặc biệt là giảng viên, cán bộ đi học nước ngoài về thì đều phải trình các bằng tốt nghiệp đó và phải được công nhận. Đặc biệt là trong bổ nhiệm cán bộ thì cần kiểm tra chặt chẽ về công nhận.

Đánh giá về việc không trung thực trong bằng cấp hiện nay, ông Tớp cho rằng đây cũng là một hệ quả của chủ trương chúng ta coi trọng bằng cấp. Vì thế, mới có những người lựa chọn học ngắn hạn, lượng kiến thức không ngang với các trường khác để có được bằng cấp. Nếu chúng ta không thay đổi việc bổ nhiệm cán bộ ở một số lĩnh vực thì tình trạng này sẽ còn duy trì và tiếp tục. Theo ông Tớp, trong giảng dạy thì cần phải có bằng cấp là chắc chắn. Nhưng ở lĩnh vực khác còn trọng bằng cấp đối với cán bộ quản lý thì còn chạy theo bằng cấp.

Ông Tớp đề xuất, Bộ GDĐT cần có những định hướng rõ ràng cho người học, đặc biệt là với các trường hợp bằng do nước ngoài cấp. “Tôi đi ra đường, những hướng dẫn, quy định không ghi ở đâu thì làm sao bảo tôi đi sai đường. Vì thế, Bộ GDĐT nên công bố danh sách các trường chất lượng tốt hoặc công bố tiêu chuẩn, tiêu chí rõ ràng của một trường ĐH nước ngoài mà Bộ GDĐT sẽ công nhận bằng cấp sau khi đi học về”. Ông Tớp khuyến nghị, người học trước khi đi học nên hỏi ý kiến của bộ hoặc cơ quan quản lý nhà nước xem đi học về có được công nhận hay không, tránh đi bơi mà không biết phương hướng.

Cần phân biệt bằng “giả” và bằng “dỏm”

Trước đề xuất kiểm tra lại bằng cấp của các lãnh đạo, PGS-TS Triệu Thế Hùng - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - cho rằng việc cần thiết kiểm tra lại bằng cấp hay không - câu trả lời chính là ở các cơ quan, đơn vị sử dụng cán bộ. Chúng ta cũng cần phân biệt rõ về sử dụng bằng “giả” và bằng “dỏm”. Với những cán bộ sử dụng bằng “giả” tức là các bằng không thực chất học mà có được do các hành vi gian dối như mua bằng, sử dụng phôi bằng giả, mượn bằng của người khác… thì chắc chắn sẽ phải xử lý theo quy định của pháp luật. Còn đối với cán bộ sử dụng bằng “dỏm” tức là các bằng có học nhưng chất lượng chưa đạt yêu cầu, chưa được Bộ GDĐT công nhận… thì cần xét dưới góc độ trung thực. Một khi đã không được công nhận mà cố tình khai báo trong lý lịch thì đó là hành vi khai báo không trung thực.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn