MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công văn sai của Tổng cục Du lịch.

Ra văn bản sai - không chỉ thu hồi là hết chuyện

Minh Bằng LDO | 04/05/2020 09:00
Câu chuyện ra văn bản rồi lại thu hồi vì thấy sai đang ngày một nhiều lên trong khi chế tài xử lý người ký văn bản lại chưa đầy đủ.

Ngày 29.4, Tổng cục Du lịch - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - ra văn bản cấm du khách không được chia sẻ, đưa tin, đăng bài trên mạng xã hội, phương tiện truyền thông về tình hình dịch tại cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch. Văn bản này lập tức “dậy sóng”. Và chỉ 2 ngày sau, cũng lại là Tổng cục Du lịch ra văn bản khác chỉ để… huỷ văn bản này.

Cứ sai là đổ cho… đánh máy?

Năm 2018, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Kiểm tra VBQPPL) - Bộ Tư pháp đã đưa ra con số giật mình trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ đánh giá hậu quả, tác hại của việc ban hành văn bản trái pháp luật. Theo đó, cục này đã phát hiện 5.639 văn bản trái pháp luật. Trong số này, 1.236 văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật về thẩm quyền ban hành và nội dung; 3.829 văn bản quy phạm pháp luật sai sót về căn cứ pháp lý, thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản; 574 văn bản không phải là văn bản quy phạm pháp luật nhưng có chứa quy phạm pháp luật.

Cục Kiểm tra VBQPPL cũng đánh giá số lượng văn bản trái pháp luật được phát hiện ở các lĩnh vực khác nhau khá lớn, gây ra những thiệt hại, tác động tiêu cực đến các quan hệ xã hội trong đời sống kinh tế, xã hội.

Mới nhất, năm 2019, riêng tại Bộ Tư pháp đã kiểm tra 580 văn bản của các bộ, cơ quan ngang bộ và khoảng 4.300 văn bản của chính quyền cấp tỉnh, Cục Kiểm tra VBQPPL cũng đã phát hiện, kết luận và kiến nghị xử lý đối với 165 văn bản có quy định trái pháp luật (13 văn bản cấp bộ và 152 văn bản cấp tỉnh).

Ngay đầu năm 2020, dư luận cũng xôn xao nhiều văn bản được chính quyền đưa ra nhưng nhanh chóng thu hồi. Điển hình là văn bản do Sở Tài nguyên - Môi trường (TNMT) TPHCM ban hành ngày 27.3 về việc yêu cầu các đơn vị cấp dưới báo cáo phương án hoả táng mùa dịch. Trong đó, văn bản có nội dung “hoả táng các nạn nhân nặng mắc COVID-19 có thể tử vong”. Ngay sau khi văn bản lan truyền, sở này cho kiểm tra và phát hiện nội dung văn bản có một số điểm không phù hợp, không rõ ràng, gây hoang mang. Sau đó, sở đã cho thu hồi văn bản. Cuối tháng 4.2020, Chủ tịch UBND TPHCM đã quyết định kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ - Phó Giám đốc Sở TNMT - do ban hành văn bản liên quan đến phòng chống COVID-19 gây hoang mang dư luận.

Tại Hà Nội, ngày 31.3, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) Hà Nội đã phải yêu cầu thu hồi văn bản liên quan đến việc lập 26 chốt trực, cấm người và phương tiện ra vào thành phố. Theo lãnh đạo sở, văn bản trên là chưa chính xác vì thành phố chưa có chỉ đạo, trong khi việc này phải chờ ý kiến của thành phố, Thanh tra Sở GTVT chỉ xây dựng phương án.

Lâu nay trong đa số các trường hợp sai, lỗi thường bị đổ cho khâu biên soạn hay nói nôm na là “lỗi người đánh máy”. Việc Phó Giám đốc Sở TNMT TPHCM bị kỷ luật với hình thức khiển trách về một văn bản sai là hiếm gặp.

Sai thẩm quyền, sai luật

Đối với Tổng cục Du lịch, cách đây 3 năm cũng đã ra công văn gây “chấn động”. Đó là văn bản do Thứ trưởng Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Huỳnh Vĩnh Ái ký công văn ngày 2.6.2017 gửi Hiệp hội Du lịch Thành phố Đà Nẵng đề nghị xử lý việc phát ngôn của ông Huỳnh Tấn Vinh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng - liên quan đến Sơn Trà. Ngay sau đó, ngày 4.6.2017, Bộ VHTTDL có văn bản thu hồi công văn trên với lý do “có một số nội dung chưa phù hợp, dễ gây hiểu nhầm”. Thời điểm đó, ông Ái cũng đứng ra xin lỗi và yêu cầu Tổng cục Du lịch làm rõ trách nhiệm quá trình tham mưu ban hành văn bản trên.

3 năm sau, Tổng Cục trưởng Trần Văn Tuấn đã nghỉ chế độ và lên thay là Tổng Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh thì chuyện lại lặp lại. Văn bản của Tổng cục Du lịch đưa ra hôm 29.4.2020 trong đó có điều khoản cấm “du khách không được chia sẻ, đưa tin, đăng bài trên mạng xã hội, phương tiện truyền thông về tình hình dịch tại cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch” được cho là “đứng trên luật”.

Đầu tiên là tổng cục không thể cấm, hoặc yêu cầu người dân không được thực hiện quyền đã được quy định Hiến pháp 2013 (điều 25) và Luật Tiếp cận thông tin (từ điều 1 đến điều 16) có hiệu lực từ năm 2018. Trên thực tế, ngay ở thời điểm chống dịch COVID-19 căng thẳng nhất thì trong tất cả chỉ đạo từ Chính phủ, Thủ tướng đều không cấm người dân đưa thông tin, phản ánh về dịch bệnh. Chỉ cấm và phạt nặng những trường hợp tung tin thất thiệt, tin không chính xác trên mạng xã hội gây hoang mang dư luận.

Ngay cả lý do “trong tình trạng gấp gáp” nên văn bản “có chút sơ suất” mà phía Tổng cục Du lịch đưa ra dường như chưa nói đúng được vấn đề, chưa thật sự nhìn thấy cái sai.

Nếu không ai bị kỷ luật, chuyện này còn tái diễn? Trường hợp này, xin đừng đổ lỗi cho “người đánh máy”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn