MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khắp ngõ ngách của chợ đầu mối Long Biên đều là rác thải. Ảnh: Thùy Dung

Rác thải ngập ngụa ở các chợ đầu mối Hà Nội

THUỲ DUNG LDO | 12/05/2023 10:06

Tình trạng ô nhiễm tại một số khu vực chợ đầu mối trên địa bàn Hà Nội vẫn chưa được giải quyết triệt để, gây ảnh hưởng không nhỏ đến mỹ quan và cuộc sống của người dân.

Nhiều nỗi lo

Sinh sống trong ngõ 203 đường Hồng Hà (phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm) - cách chợ Long Biên chưa đầy 100m, anh Nguyễn Tiến Đạt (21 tuổi) thường xuyên phải di chuyển qua những con đường đầy rác.

Đây cũng là thực trạng diễn ra suốt nhiều năm qua tại chợ Long Biên - một trong những khu chợ đầu mối nông sản lớn nhất miền Bắc.

Anh Đạt chia sẻ với Lao Động. Ảnh: Thùy Dung

“Do đặc thù kinh doanh tại đây diễn ra nhộn nhịp cả ngày lẫn đêm nên khung cảnh chợ ngập trong rác đã trở thành lẽ thường tình” - anh Đạt nói.

Anh Đạt cho biết thêm, khắp mọi con đường, ngõ ngách trong khu chợ này đâu đâu cũng thấy rác.

Rác thải chủ yếu là hoa quả, rau củ bị hư hỏng, xốp đệm, thùng giấy, túi nilon,... Có những thời điểm rác không được thu gom kịp, gây ùn ứ, bốc mùi gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân tại đây.

Khung cảnh ô nhiễm diễn ra ngay ở khu vực cổng vào chợ Long Biên. Ảnh: Thùy Dung

Thực tế này cũng đang diễn ra tương tự tại một số chợ đầu mối khác trên địa bàn Thủ đô như chợ đầu mối gia cầm Hà Vỹ (xã Lê Lợi, huyện Thường Tín), chợ đầu mối phía Nam (Khu đô thị Đền Lừ, quận Hoàng Mai)...

Theo ghi nhận của Lao Động vào sáng ngày 8.5 tại chợ đầu mối gia cầm Hà Vỹ, vệ sinh môi trường trong khuôn viên chợ không được đảm bảo.

Ngay cổng chợ Hà Vỹ là cảnh nước ngập mất vệ sinh. Ảnh: Thùy Dung

Ngay từ cổng vào là những rãnh nước sâu lẫn đầy bùn đất và chất thải của gia cầm. Di chuyển sâu vào phía bên trong chợ, không khó để có thể chứng kiến cảnh phân và chất thải từ hoạt động kinh doanh vương vãi khắp nơi.

Không những vậy, hệ thống thoát nước của chợ luôn trong tình trạng ứ đọng khiến cho nền chợ luôn trong tình trạng ẩm ướt bốc mùi hôi thối.

Chất thải gia cầm vương vãi khắp nơi. Ảnh: Thùy Dung
Nước thải, chất thải khiến nền chợ luôn trong tình trạng ô nhiễm. Ảnh: Thùy Dung

Ông Nguyễn Thành Vinh (52 tuổi) - tiểu thương tại chợ Hà Vỹ chia sẻ: “Tình trạng ô nhiễm tại chợ Hà Vỹ đã diễn ra từ rất lâu. Mặc dù Ban quản lý và tiểu thương tại chợ cũng đã tiến hành dọn dẹp nhưng vẫn chưa thể đảm bảo được về vấn đề vệ sinh của chợ”.

Còn tại khu vực chợ đầu mối phía Nam, hoạt động kinh doanh, giết mổ tại chỗ cũng khiến cho môi trường trong khuôn viên chợ bị ảnh hưởng nặng nề.

Tình trạng ô nhiễm diễn ra nhiều nhất tại khu vực quầy kinh doanh thịt và hải sản tươi sống. Trước cửa nhiều quầy bán hàng, túi nilon, chai nhựa dính máu động vật vứt la liệt khắp nơi.

Khung cảnh mất vệ sinh tại khu chợ đầu mối phía Nam. Ảnh: Thùy Dung

Bên cạnh đó, chất thải, nước thải từ hoạt động giết mổ thủy hải sản tại chỗ cũng trở thành nguyên nhân khiến tình trạng ô nhiễm tại khu chợ đầu mối lớn nhất phía nam Thủ đô càng trở nên trầm trọng hơn.

Chất thải từ hoạt động giết mổ thủy, hải sản được xả thẳng ra nền chợ. Ảnh: Thùy Dung

Đâu là giải pháp?

Trao đổi với Lao Động, GS.TS Đặng Kim Chi - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam cho biết, nhiều năm qua, Hà Nội đã nhiều lần phối hợp với Ban Quản lý tại các chợ đầu mối để giải quyết vấn đề ô nhiễm. Tuy nhiên, hiệu quả mang lại trên thực tế là chưa cao.

Để hạn chế tình trạng ô nhiễm tại các chợ đầu mối, bà Kim Chi đề xuất, các hoạt động tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức phải được thực hiện thường xuyên hơn để tất cả người dân đều có thể chung tay giữ gìn vệ sinh tại nơi họ kinh doanh, sinh sống.

GS.TS Đặng Kim Chi. Ảnh: Phương Anh

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần tích cực, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh buôn bán cũng như quy trình xử lý chất thải, rác thải tại các chợ đầu mối để hạn chế triệt để nguy cơ gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường.

“Hơn hết vẫn là ý thức của chính những tiểu thương tại các chợ. Mỗi người đều cần phải tự giác và hiểu được trách nhiệm của bản thân mình trong công tác giữ gìn vệ sinh chung. Đây mới chính là chìa khóa để giải quyết triệt để được vấn đề ô nhiễm” - GS.TS Đặng Kim Chi nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn