MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hàng tấn rác lưới mùng đen kịt vây kín biển Cam Ranh. Ảnh: Hữu Long

Rác thải từ lồng tôm hùm - ác mộng với môi trường biển Cam Ranh

Hữu Long LDO | 12/10/2023 17:05

Khánh Hòa – Khi làm vệ sinh lồng bè nuôi tôm hùm, ngư dân vứt bỏ toàn bộ dàn lưới mùng và rác thải nhựa xuống biển. Chỉ chưa đầy 3 năm, đường bờ biển bị vây tứ bề rác thải, bốc mùi hôi thối.

Hơn 3 năm trở lại đây, rác thải nhựa từ lồng bè nuôi tôm hùm bủa vây đường bờ biển thuộc xã Cam Lập, TP Cam Ranh. Theo người dân địa phương, mỗi ngày có hàng trăm lồng bè từ khắp nơi được đưa vào vùng biển xã Cam Lập để dọn vệ sinh, thay lưới mới.

Đáng nói là trong quá trình vệ sinh, chất thải như túi nilon, lưới mùng cũ, vỏ sò, ốc, hàu được đổ trực tiếp xuống bãi biển.

Ông Lê Văn Toà (88 tuổi, trú thôn Bình Lập, tại xã Cam Lập) là một trong những người sinh sống đầu tiên trong làng. Cũng vì là người lớn tuổi nên ông Tòa nhận thấy rõ thay đổi theo hướng tiêu cực của môi trường biển nơi đây.

Ông Tòa cho biết cách đây hơn 3 năm, đường bờ biển thôn Bình Lập là một bờ cát trắng mịn, nước xanh như ngọc. Thế rồi vài năm lại đây, hàng ngàn hộ nuôi tôm hùm gần khu vực đảo Bình Ba đã đổ rác thải nhựa ra môi trường bờ biển xã Cam Lập.

Từ đó, bãi biển bị bao vây bởi ô nhiễm, mùi hôi thối tràn ngập khắp làng xóm.

Rác thải nhựa tràn ngập khắp bờ biển xã Cam Lập. Ảnh: Hữu Long

Bà Nguyễn Thị Bé (41 tuổi) dẫn phóng viên ra khu vực đường bờ biển và cho biết, hiện nay bờ biển thôn Bình Lập luôn trong tình trạng rác thải nhựa tràn ngập.

Trên bờ những tấm lưới mùng rách nát nằm lẫn lộn với cát biển. Phía dưới mặt nước, lưới mùng đã qua sử dụng bị vứt bỏ khắp nơi. Đáng nói là những tấm lưới mùng sau thời gian hóa màu đen kịt, bốc mùi hôi thối. Bất cứ động vật, con người tiếp xúc với loại lưới này đều bị mẩn đỏ, ngứa toàn thân…

Lồng bè nuôi tôm hùm là nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường bờ biển. Ảnh: Hữu Long

“Chủ lồng bè nuôi tôm hùm không phải là người địa phương. Họ nuôi tôm rồi bán cho thương lái lấy tiền. Còn chất thải nhựa thì vứt xuống lòng biển. Và cuối cùng, người dân địa phương lãnh đủ các loại ô nhiễm này” – bà Nguyễn Thị Bé bức xúc.

Theo ghi nhận của phóng viên, khu vực rộng hơn 1km đường bờ biển thôn Bình Lập luôn bốc ra mùi hôi thối bởi rác thải nhựa. Đây cũng là điểm tập kết làm vệ sinh lồng bè nuôi tôm hùm sau một chu kỳ nuôi.

Trao đổi với Lao Động, ông Lê Ngọc Thạch - Chủ tịch UBND TP Cam Ranh xác nhận thực trạng ô nhiễm bãi biển đang diễn ra phức tạp tại khu vực xã Cam Lập. Trước tình trạng này, chính quyền thành phố đang khảo sát sớm có phương án dọn vệ sinh bãi biển, không để ô nhiễm kéo dài.

Ông Lê Ngọc Thạch khẳng định việc nuôi trồng thuỷ sản (trong đó có tôm hùm, cá, hàu) gần bờ là nuôi tự phát không nằm trong vùng quy hoạch khu vực nuôi trồng thuỷ sản ven bờ của vịnh Cam Ranh cũng như quy hoạch chung tỉnh khánh Hòa giai đoạn 2021-2030.

Để giải quyết ô nhiễm lâu dài, Viện nghiên cứu và nuôi trồng thuỷ sản III cũng đã có đề án hỗ trợ sinh kế cho người dân nuôi lồng bè gần biển, chuyển đổi nghề, bố trí việc làm cho người dân.

Trong khi đó, ông Nguyễn Duy Quang - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn của tỉnh Khánh Hòa cho biết, các cơ quan liên quan sẽ kiểm tra và xử lý tình trạng ô nhiễm tại khu vực đường bờ biển xã Cam Lâm. Theo báo cáo chưa đầy đủ, vùng biển ở khu vực xã Cam Lập là trung tâm nuôi tôm quan trọng của tỉnh Khánh Hòa, với hơn 45.000 lồng nuôi tôm hùm, đặc biệt là tôm hùm xanh chiếm tỉ lệ 95%.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn