MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nông dân trồng lúa ở ven biên giới của tỉnh An Giang lo lắng mất mùa khi rầy phấn trắng hoành hành. Ảnh: Thành Nhân

Rầy phấn trắng hoành hành lúa, nông dân biên giới An Giang lo mất mùa

Thành Nhân LDO | 01/07/2024 16:36

Diện tích trồng lúa của bà con nông dân ở biên giới của tỉnh An Giang đang bị rầy phấn trắng hoành hành. Mặc dù đã phun xịt nhưng sau 30 ngày vẫn chưa xử lý tiêu diệt hết, nông dân ở đây rất lo lắng khi tiền bạc đã bỏ ra mà không biết có thu hồi vốn được không.

Rầy phấn trắng hoành hành

Đã hơn 40 năm trồng lúa, ông Nguyễn Văn Dũng (ngụ ở xã Phú Hữu, huyện An Phú, tỉnh An Giang) chưa bao giờ thấy cảnh dịch hại cây lúa hoành hành như hiện nay. Ông Dũng cho biết, ông có 40 công đất trồng lúa ở trên địa bàn xã Nhơn Hội (huyện An Phú). Lúa từ khoảng 20 ngày tuổi đã bị rầy phấn trắng gây hại. Mặc dù đã phun xịt, nhưng đã hơn 30 ngày trôi qua, tình hình dịch bệnh vẫn không giảm mà có chiều hướng gia tăng.

“Cứ cách 3 ngày là tôi phun xịt thuốc một lần. Đến nay, đã phun thuốc sâu được 10 lần, mỗi lần như vậy thì tốn tiền khoảng 1,2 triệu đồng nhưng 40 công ruộng lúa của gia đình vẫn còn rầy phấn trắng”, ông Dũng nói.

Rầy phấn trắng hoành hành trên cây lúa ở trên địa bàn xã Quốc Thái (huyện An Phú, tỉnh An Giang). Ảnh: Thành Nhân

Tương tự, anh Nguyễn Thanh Phương (ngụ xã Quốc Thái, huyện An Phú, tỉnh An Giang) cho biết, anh có 2,6 ha trồng lúa trên địa bàn xã Quốc Thái. Cứ 3 ngày phun xịt một lần, thế nhưng đến nay tình trạng rầy phấn trắng vẫn còn tiếp tục hoành hành.

“Hơn 30 ngày trôi qua, tôi thường xuyên ra đồng để thăm lúa. Vạch lúa để quan sát, thấy rầy phần trắng bám giữa thân cây lúa mật độ rất nhiều, dù đã phun xịt thuốc hóa học thế nhưng chưa có dấu hiệu giảm khiến nông dân rất lo lắng”, anh Phương nói.

Nông dân lo lắng mất mùa

Anh Trần Văn Giang (ngụ ở xã Quốc Thái, huyện An Phú, tỉnh An Giang) nói: “Tôi có 10 công đất trồng lúa, được hơn 54 ngày tuổi. Hơn 30 ngày trôi qua, diện tích ruộng lúa của gia đình đang bị bệnh rầy phấn trắng. Mặc dù có phun xịt rất nhiều lần, tốn tiền nhưng vẫn không tiêu diệt hết dịch hại. Tôi rất lo tình trạng này sẽ ảnh hưởng khiến bông lúa không trổ thoát ra được, hoặc trổ ra được nhưng bị lép hạt”.

Dùng máy bay không người lái để phun xịt rầy phấn trắng. Ảnh: Thành Nhân

Cùng chung với nỗi lo anh Giang, anh Nguyễn Thanh Phương cho biết, thấy lúa bị rầy tấn công, anh sốt ruột nên xịt thuốc ồ ạt, thậm chí trong vòng một tuần đã xịt hai cữ. Hiện diện tích lúa vẫn đang bị rầy phấn trắng tiếp tục tấn công. Do đó, về lâu dài mà, anh rất lo lắng sợ lúa ảnh hưởng đến năng suất khi thu hoạch, mất mùa.

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động qua điện thoại, một lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Phú (tỉnh An Giang) cho biết, ngành nông nghiệp huyện An Phú đã báo cáo về tình hình rầy phấn trắng gây hại lúa trên địa bàn về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang. Vừa qua, Sở đã cử đoàn công tác xuống địa phương kiểm tra tình hình dịch hại.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn