MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cần cho gia súc ăn đầy đủ dưỡng chất để đủ sức chống chịu với rét đậm, rét hại. Ảnh: Vũ Long

Rét đậm, rét hại làm hàng nghìn gia súc chết và đe dọa vụ đông xuân

Vũ Long LDO | 21/02/2022 23:08

Rét đậm, rét hại đã khiến trên 1.000 con gia súc tại các tỉnh miền núi phía Bắc bị chết cóng do giá rét. 

Hàng nghìn trâu, bò, gia súc chết do rét đậm, rét hại

Thông tin từ Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, Chống thiên tai cho biết, theo báo cáo của 11 tỉnh, tính đến 18 giờ ngày 21.2, rét đậm, rét hại đã làm 1.010 con gia súc bị chết, trong đó có 881 con trâu, bò; 129 dê và gia súc khác. Cụ thể, tại Hà Giang: 1, Lào Cai: 47, Điện Biên: 44, Lạng Sơn: 145, Cao Bằng: 97, Sơn La: 393, Yên Bái: 16, Bắc Cạn: 58, Tuyên Quang: 9, Hòa Bình: 171, Quảng Ninh: 29.

Hiện tại, rét đậm, rét hại vẫn đang tiếp tục duy trì, đặc biệt là tại các khu vực núi cao phía Bắc. Nhiệt độ đo được lúc 16 giờ ngày 21.2 tại Hà Giang là 12,7 độ C, tại Sapa (Lào Cai): 2,1 độ C, tại Tam Đường (Lai Châu): 6,2 độ C, tại Lạng Sơn: 7,6 độ C, tại Sơn La: 9,5 độ C...

Để ứng phó với rét đậm, rét hại, 31/31 tỉnh, thành phố Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ ban hành công văn chỉ đạo ứng phó rét đậm, rét hại. Các tỉnh Lào Cai, Điện Biên, Thanh Hóa thành lập các đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc các địa phương công tác phòng, chống rét bảo vệ sức khỏe của người dân, bảo vệ cây trồng và đàn vật nuôi; 22 tỉnh, thành phố tổ chức thông tin tuyên truyền ứng phó với rét đậm, rét hại; 15 tỉnh, thành phố cho học sinh nghỉ học, chuyển sang học online...

Triển khai giải pháp bảo vệ vụ lúa đông xuân và rau màu

Trao đổi với PV Lao Động, ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) cho biết, hiện nay chưa có báo cáo về thiệt hại cây trồng. Để giảm hạn chế thiệt hại do thời tiết rét đậm, rét hại gây ra, Bộ NNPTNT đã có văn bản gửi các Sở NNPTNT yêu cầu triển khai các giải pháp bảo vệ vụ lúa đông xuân 2021-2022.

Đối với diện tích lúa đã gieo sạ, cấy, thường xuyên kiểm tra, đánh giá, có biện pháp phòng chống rét cho lúa kịp thời; duy trì mực nước 2-3cm trên mặt ruộng để giữ ấm cho lúa, không để lúa chết úng hoặc chết khô do thiếu nước. Tuyệt đối không bón thúc đạm cho lúa khi nhiệt độ trung bình ngày đêm dưới 15 độ C, bón bổ sung tro bếp, phân chuồng ủ mục, phun bổ sung phân lân, kali qua lá,... để tăng khả năng chống rét cho lúa...

Với diện tích mạ đã gieo, tập trung tốt nhất các phương tiện, dụng  cụ che chắn chống rét theo đúng kỹ thuật cho mạ, bơm nước giữ ấm cho mạ. Nơi có điều kiện, thực hiện biện pháp đêm đưa nước vào, ngày tháo nước ra. Tuyệt đối không bón đạm urê hay NPK, chú ý bón bổ sung phân chuồng hoai mục, phân lân, kali, tro bếp nguội để chống rét cho mạ. Đối với các diện tích lúa đã cấy, gieo sạ, mạ có nguy cơ bị chết do rét đậm rét hại, các địa phương chủ động kiểm tra đánh giá; chuẩn bị dự phòng các giống lúa cực ngắn ngày, ngắn ngày để thay thế diện tích mạ, lúa bị thiệt hại do rét đậm, rét hại. Tuyệt đối không gieo, cấy khi nhiệt độ trung bình ngày đêm xuống dưới 15 độ C...    

Với sản xuất rau màu, chuẩn bị giống, quỹ đất cho việc gieo trồng các loại cây rau màu vụ xuân như lạc, ngô, dưa chuột, bí xanh…. kịp thời thu hoạch rau màu đến thời kỳ thu để đảm bảo năng suất và chất lượng; không gieo trồng các cây rau màu khi thời tiết rét đậm, rét hại. 

Ông Cường cũng nhấn mạnh: Diễn biến thời tiết và sâu bệnh từ nay đến cuối vụ còn hết sức phức tạp và khó lường, các Sở NNPTNT phân công lãnh đạo, cán bộ chuyên môn thường xuyên bám sát cơ sở, theo dõi sát tình hình biến động của thời tiết, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin đại chúng để thông báo kịp thời và hướng dẫn các biện pháp xử lý phù hợp đạt hiệu quả cao

"Các địa phương cần chuẩn bị và có phương án dự phòng đầy đủ các loại vật tư nông nghiệp như giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, phương tiện làm đất, gieo trồng, thu hoạch… để đảm bảo thực hiện theo kế hoạch sản xuất đã đề ra" - ông Nguyễn Như Cường nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn