MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lắp đặt robot đào hầm thứ hai có tên “Táo bạo”. Ảnh: Thế Bằng

Robot đã sẵn sàng khoan hầm đường sắt Nhổn - ga Hà Nội

Đặng Tiến - Tô Thế LDO | 10/03/2021 08:45

Đại diện Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cho biết, robot đào hầm thứ nhất mang tên “Thần tốc” đã hoàn thiện 100% công việc lắp ráp và đang triển khai vận hành thử. Cùng với đó, chiếc máy đào hầm thứ hai có tên “Táo bạo” đang hoàn thiện lắp ráp khoảng 60% để sẵn sàng cho việc khoan hầm tuyến đường sắt đô thị số 3.

Không ảnh hưởng đến các công trình bên trên

Theo đại diện MRB, trước Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, đơn vị đã phối hợp với nhà thầu lắp đặt xong và tiến hành kiểm tra chạy thử máy đào hầm dùng công nghệ TBM thứ nhất có tên “Thần tốc”. Qua quá trình thử nghiệm máy đảm bảo 100% các bộ phận và cấu kiện đạt tiêu chuẩn vận hành. Dự kiến, nhà thầu sẽ bàn giao TBM đầu tiên cho chủ đầu tư vào đầu tháng 5.2021. Sau khi hoàn thiện lắp ráp xong, máy TBM sẽ bắt đầu khoan từ ga S9 (Kim Mã) tới ga S12 (ga Hà Nội) ở cuối đường Trần Hưng Đạo với tổng chiều dài là 4km.

Đầu tháng 11.2020, các bộ phận của robot “Thần tốc” đã được vận chuyển từ cảng Hải Phòng về ga Kim Mã (Hà Nội). Sau khi hoàn tất công tác kiểm định, nhà thầu lên phương án, từ việc lựa chọn vị trí hạ hợp lý cho đến phương án nhân sự, phương án an toàn lao động… Nhân sự gồm đội ngũ chuyên gia, kỹ sư và công nhân được bố trí trên mặt đất và dưới ga hầm thực hiện việc điều phối cẩu hạ robot thông qua lỗ mở một cách an toàn và chính xác.

Đại diện đơn vị cung cấp thiết bị cho biết, việc lắp ráp robot đào hầm của tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội được thực hiện tại ga S9, ga ngầm đầu tiên của dự án, đội ngũ kỹ sư sẽ tiến hành lắp ráp hoàn chỉnh và vận hành thử. Theo đại diện nhà thầu FECON - ông Lê Quang Hanh, lắp ráp robot đào hầm TBM là một hạng mục mới tại Việt Nam, đòi hỏi hiểu biết sâu về cấu tạo, nguyên lý hoạt động của loại thiết bị phức tạp này. Tuy nhiên, phần lớn nhân sự trực tiếp lắp ráp robot phục vụ Dự án Đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội đã từng tham gia công việc này tại Dự án Metro Line 1 TP.Hồ Chí Minh nên không bị choáng ngợp với thiết bị thi công tối tân này và đã có phương án tối ưu nhất để đảm bảo chất lượng và tiến độ đề ra.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, Phó Trưởng ban Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) - ông Lê Trung Hiếu cho biết, đây là dự án đầu tiên nên gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt là các hệ thống văn bản trước đây chưa rõ ràng, việc giải phóng mặt bằng không được quan tâm khiến tiến độ bị chậm. Ảnh hưởng lớn nhất hiện nay vẫn là thủ tục hành chính, sự phối hợp giữa các đơn vị, giữa chủ đầu tư với cơ quan chủ quản…

Cũng theo ông Hiếu, việc đào hầm sẽ không ảnh hưởng đến các công trình phía trên vì đối với những công trình lớn phía trên điểm gần nhất phải cách xa 3m. Nhưng do một số đơn vị đã buông lỏng quản lý, không kiểm soát việc ép cọc khoan nhồi của công trình khiến dự án phải di chuyển ra khỏi khu vực, hoặc phá công trình rút cọc lên dẫn đến chủ đầu tư phải bỏ chi phí đền bù.

Dự kiến triển khai đào trong tháng 5.2021

Gói thầu CP03 - hầm và các ga ngầm là một trong những gói thầu quan trọng nhất của dự án tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội. Bộ đôi máy TBM được thiết kế riêng cho dự án tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội. Máy được sản xuất bởi hãng Herrenkecht (CHLB Đức), có chiều dài hơn 100m, nặng khoảng 850 tấn. Phạm vi công việc chính của gói thầu CP03 bao gồm: Đường hầm đôi, ray đơn với đường kính trong 5,7m và chiều dài đường hầm 2.573m; các ga ngầm bao gồm: Ga Kim Mã (Ga 09), Ga Cát Linh (Ga 10), Ga Văn Miếu (Ga 11) và Ga Hà Nội (Ga 12); Đường dốc hạ ngầm; Khu quay đầu/ Gara; Trục cứu nạn. Nhà thầu chính của gói thầu CP03 là Liên danh Huyndai - Ghella. Nhà thầu phụ FECON là đơn vị tham gia lắp ráp và vận hành robot đào hầm TBM.

Hiện toàn bộ công trường có khoảng gần 500 lao động trong đó gần 30% là các chuyên gia nước ngoài đến từ Hàn Quốc, Italia và Pháp. Đội ngũ kỹ sư Việt Nam và các chuyên gia nước ngoài luôn phối hợp chặt chẽ, đảm bảo việc lắp ráp robot đạt tiêu chuẩn, đúng theo thiết kế của nhà sản xuất - hãng Herrenknecht (Đức). Mỗi cấu kiện được hạ xuống, nhà thầu sẽ tiến hành hàn gắn và kết nối các bộ phận lại với nhau. Liên quan đến mùa mưa sắp tới tại miền Bắc, ông Hiếu cho rằng, không ảnh hưởng gì vì MRB đã chuẩn bị tất cả các phương án bơm thoát nước, cùng đó với phương pháp thi công hiện đại đào đến đâu lắp đặt vỏ hầm đến đó nên việc thi công trên nền đất yếu sẽ không ảnh hưởng tới tiến độ và chất lượng công trình. Dự kiến, các đơn vị sẽ bắt đầu đào sau ngày 1.5.2021 và sau hơn 1 tháng máy thứ 2 sẽ triển khai đào.

Theo ông Morabito Demetrio - Phụ trách công việc đào hầm của dự án cho biết, đây là công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới, TBM hoạt động trên nguyên lý cân bằng áp lực đất. Phía sau khiên đào được bố trí một vách ngăn kín. Đất từ khiên đào sẽ rơi vào khoang kín và tạo ra sự cân bằng áp lực giữa đất đào và đất chưa đào, làm cho gương đào ổn định và không sạt lở. Áp lực của đất trong khoang cân bằng được theo dõi bởi các thiết bị đặc biệt đặt trực tiếp trong thân máy. Khi thực hiện công tác triển khai lắp ráp, những người thợ Việt Nam rất thông minh và tinh ý khi tiếp nhận công nghệ. Những nhiệm vụ chính như điều khiển khiên đào phần lớn vẫn là chuyên gia nước ngoài còn thợ người Việt vẫn trong quá trình cầm tay chỉ việc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn