MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhờ có vốn vay ưu đãi, anh Hồ Văn Lam đã phát triển đàn dê, đàn bò rồi viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Ảnh: HT

Rời xa “bầu sữa” hộ nghèo để vươn lên

HƯNG THƠ LDO | 18/01/2020 07:45
Năm 2019, nhiều gia đình đồng bào thiểu số Vân Kiều, Pa Cô ở các huyện miền núi của tỉnh Quảng Trị đã viết đơn xin thoát khỏi hộ nghèo. Thực tế, nhiều hộ vẫn còn nghèo “rớt mùng tơi”, nhưng tự thấy có chút vốn liếng và kiến thức, nên họ quyết định rời xa “bầu sữa” hộ nghèo để vươn lên.

Gia đình anh Hồ Văn Lam (thôn A Rồng dưới, xã A Ngo, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) là hộ dân xung phong viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo trong năm 2019. Áp Tết Nguyên đán, chúng tôi ghé thăm căn nhà cấp 4 gần như bốn bề lộng gió của gia đình anh Lam dựng ở góc vườn khá rộng. Trong nhà, nhìn quanh, chúng tôi thấy không có vật dụng gì giá trị dù ngày Tết đã đến gần.

Hỏi nhà còn khó khăn thế này, ra khỏi hộ nghèo thì có khó khăn hơn không, anh Lam cười cười. Năm 1999, anh Lam lập gia đình, rồi sống cùng mẹ già ở trong căn nhà này. Khi có thêm con nhỏ, cuộc sống khó khăn hơn dù hai vợ chồng quanh năm suốt tháng bám trên rẫy. Đến năm 2003, khi tiếp cận vốn vay ưu đãi, vợ chồng anh Lam đã mua bò, dê về nuôi. Có được đồng vốn, cán bộ bày cho cách làm, nên gia đình anh tập trung mua con giống về nuôi.

Đến nay, sau nhiều năm chăm chỉ, gia đình anh Lam có 4 con bò, 7 con dê, 4ha rừng tràm và 2ha trồng sắn. “Nhìn vào nhà thì nghèo lắm, thực tế cũng còn nghèo. Nhưng giờ có vốn rồi, đến lúc thu hoạch thì sẽ khá. Nên tôi viết đơn ra khỏi hộ nghèo để nhường lại cho gia đình khác” - anh Lam cho hay. Để đón năm mới, anh Lam cùng người nhà chặt tre, cưa ít gỗ để mấy ngày tới dựng lại ngôi nhà cho ấm cúng, đợi đến khi thu hoạch rừng, sẽ xây nhà kiên cố...

Cũng ở cùng thôn với anh Lam, gia đình anh Hồ Văn Hai được hưởng chế độ hộ nghèo mấy năm. Nhờ chú tâm làm ăn và được hỗ trợ vay vốn, cách làm ăn nên gia đình anh đã có 4ha rừng, 2 con bò. Thấy gia đình đã có chút vốn, anh bàn với vợ xin ra khỏi hộ nghèo. “Hai vợ chồng mất ngủ mấy đêm, vì 3 đứa con đang đi học sẽ không được nhận các hỗ trợ nữa. Nhưng chúng tôi có vốn rồi, có 2 bàn tay khỏe mạnh hơn nhiều người, nên quyết định viết đơn” - anh Hai nói.  

Ông Nguyễn Văn Khánh - Phó Chủ tịch UBND xã A Ngo - cho hay, ở đây 100% người đồng bào thiểu số sinh sống, đời sống còn nhiều khó khăn. Nhưng trong năm 2019, xã A Ngo đã giảm được 36 hộ nghèo, chiếm tỉ lệ hơn 5%. Trong đó, có đến 6 hộ dân tự nguyện viết đơn xin thoát khỏi hộ nghèo. Để có được những kết quả trên, địa phương đã tìm hiểu rõ nguyên nhân dẫn đến đói nghèo của từng hộ, từ đó có phương án hỗ trợ phù hợp và hiệu quả nhất, đồng thời phát huy ý thức vươn lên thoát nghèo của người dân địa phương.

Theo ông Nguyễn Đức Chính - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, những năm qua, các địa phương trên toàn tỉnh đã có những giải pháp cụ thể và thiết thực để giảm nghèo. Đặc biệt là việc làm thay đổi nhận thức, trông chờ ỷ lại của người dân, để từ sự hỗ trợ ban đầu, người dân nỗ lực, vươn lên mới giảm nghèo được bền vững.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn